leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 12 sáng 26/10 (ảnh: VPQH cung cấp).

Đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực

Thảo luận tại Tổ 12, gồm các Đoàn ĐBQH: Quảng Bình, Ninh Bình, Bắc Kạn, Hưng Yên, các đại biểu đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đồng chí Tổng Bí thư; sự đồng hành, giám sát hiệu quả của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát thực tế của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Năm 2024, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, mạnh, phức tạp, không thuận lợi. Vượt qua khó khăn, thách thức, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi và phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra tại Nghị quyết số 103/2023/QH15.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu khẳng định, có nhiều con số sinh động, không phải do chúng ta đánh giá mà do các tổ chức quốc tế đánh giá, cho thấy kết quả đạt được rất lớn. Tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%); Xuất nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt mức tăng trưởng cao, là điểm sáng của kinh tế Việt Nam năm 2024; Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, thi hành pháp luật được đặc biệt quan tâm; Kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng điện có bước đột phá mới; Tập trung làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, lao động, việc làm, cải thiện đời sống người dân; Quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm…

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đồng tình với đánh giá về kết quả đạt được đã nêu trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; đồng thời nhấn mạnh thêm 7 điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội thời gian qua.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Bên cạnh kết quả đạt được, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều tồn tại, bất cập, điểm nghẽn cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đó là vướng mắc về thể chế, pháp luật vẫn khiến việc thực thi trong thực tiễn còn khó khăn, bất cập; cơ chế phân cấp, ủy quyền chưa rõ ràng, chưa mạch lạc trong các nghị định, thông tư của các bộ, ngành khiến các địa phương khó thực hiện; công tác xây dựng pháp luật vẫn còn một số hạn chế, bất cập; tình trạng lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy cho phát triển;

Giải ngân vốn đầu tư công chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; 9 tháng đầu năm 2024, bình quân 1 tháng có 18,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; lãng phí trong thực hiện đổi mới giáo dục; vướng mắc trong công tác đấu thầu dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế phục vụ khám bệnh, chữa bệnh; giá bất động sản, nhà đất, chung cư tăng đột biến khiến giấc mơ mua nhà của người lao động, người có thu nhập thấp càng xa vời…

Gợi mở, đề xuất nhiều giải pháp

Để tiếp tục thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, các đại biểu tại Tổ 12 cũng gợi mở, đề xuất nhiều giải pháp đề nghị Chính phủ nghiên cứu triển khai trong thời gian tới.

Để đạt mục tiêu đến năm 2045 nước ta có mức thu nhập trung bình cao, cần tiếp tục đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, từ bỏ tư duy không quản được thì cấm; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Công tác xây dựng pháp luật không nóng vội, nhưng cũng không cầu toàn dẫn đến bỏ lỡ thời cơ.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu đề nghị, trong công tác chỉ đạo, điều hành, Chính phủ cần triển ngay ngay Nghị quyết tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII và chỉ đạo của Tổng Bí thư, tiến hành rà soát hệ thống pháp luật về phát triển kinh tế, vấn đề nào là rào cản trong công tác quản lý nhà nước tại địa phương, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp và người dân để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc này.

Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cần có các văn bản đề nghị Chính phủ đưa vào chương trình xây dựng luật những vướng mắc trong thực tiễn; chọn đúng chuyên đề, nội dung giám sát để chỉ ra những tồn tại, bất cập, kịp thời kiến nghị tháo gỡ về cơ chế, chính sách.

Với những vướng mắc trong cơ chế đấu thầu, đại biểu đề nghị có giải pháp đột phá cho tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế phục vụ khám bệnh, chữa bệnh.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Đinh Việt Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu Đinh Việt Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đề nghị Chính phủ quan tâm đến những lo ngại của hệ thống y tế cơ sở khi tiến hành sửa đổi quy định thông tuyến khám chữa bệnh trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế có dẫn đến tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trên, còn bệnh viện tuyến dưới thiếu vắng bệnh nhân?

Đại biểu Đỗ Tiến Sỹ - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên nhấn mạnh, cần tiếp tục giữ đà, giữ nhịp, tăng tốc, bứt phá, đi cùng, tiến kịp, vượt lên để đạt được các chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Trong đó, tiếp tục làm tốt công tác dự báo, phân tích, phản ứng chính sách để không bị động; phối hợp chặt chẽ, hài hòa các chính sách kinh tế và xã hội. Cập nhật, tháo gỡ, giải quyết cùng một lúc những vướng mắc về các vấn đề liên quan đến đất đai, xây dựng, tín dụng, nhà ở.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Đỗ Tiến Sỹ - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Cũng tại phiên thảo luận tổ, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ quan tâm hơn đến tình trọng nợ đọng thuế; số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng; số chi chuyển nguồn lớn; lộ trình giảm chi ngân sách đối với đơn vị sự nghiệp công; xác định nguồn tăng lương; dự báo những nhân tố ảnh hưởng đến Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025-2027...

Minh Khôi