Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tại cuộc họp khẩn với các đơn vị thuộc Bộ cuối buổi chiều ngày 19/3/2020 về tình hình cung ứng hàng hoá trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp hiện nay.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Công thương nói: Sẽ không có địa phương nào bị thiếu hàng, sẽ không có khu vực nào bị gián đoạn nguồn cung các mặt hàng thiết yếu. ( ảnh: Minh Nhật)

“Người dân cần hiểu và tuyệt đối tin tưởng rằng Chính phủ, trong đó có Bộ Công thương đang đồng hành, sát cánh trong cuộc chiến này. Sẽ không có địa phương nào bị thiếu hàng, sẽ không có khu vực nào bị gián đoạn nguồn cung các mặt hàng thiết yếu”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Còn theo Báo cáo của Vụ Thị trường trong nước, đến nay đã có 55 tỉnh thành trong cả nước gửi báo cáo, trong đó đã có các “kế hoạch tác chiến”, kịch bản đối phó với dịch bệnh theo 5 cấp độ. Trong đó, đã tính đến các tình huống nếu dịch bệnh lan rộng, phức tạp mà phải cách ly những thành phố lớn, các thành phố vệ tinh thì việc đưa các mặt hàng thiết yếu vào vùng dịch sẽ được tiến hành thế nào, các điểm báo hàng sẽ được bố trí ra sao?

“Chúng ta đã có kinh nghiệm trong việc cung ứng hàng hóa ở Sơn Lôi, Vĩnh Phúc, kênh phân phối hàng hóa từ các điểm bán xăng dầu, cung cấp điện, đưa hàng vào siêu thị, điểm bán để đến tay người dân… và hiện tại, công tác này đang được tiếp tục và tăng lên thành cấp cao hơn, kể cả phương án nếu Hà Nội cách ly trên diện rộng”- đại diện Vụ Thị trường trong nước cho biết.

Cụ thể, tại Hà Nội, Sở Công thương Hà Nội cho biết, đã có phương án chuẩn bị nguồn hàng và bảo đảm cung ứng cho thị trường theo các kịch bản diễn biến của dịch bệnh. Trong đó, thành phố đã tính đến việc chuẩn bị lượng hàng hóa tăng thêm 30% -50% so với nhu cầu bình thường của người dân trong một tháng.

leftcenterrightdel
Sở Công thương Hà Nội cho biết, thành phố đã tính đến việc chuẩn bị lượng hàng hóa tăng thêm 30% -50% so với nhu cầu bình thường của người dân trong một tháng. (ảnh minh họa: Minh Nhật)

Đối với khu vực bị cách ly, các phương án đã tính đến tình huống giả định khu vực bị cách ly khoảng 5.000 người trong thời gian 30 ngày. Trong đó định mức cho 1 người trong 30 ngày, gạo 18kg; thịt lợn 1,35kg; trứng gia cầm 15 quả; muối ăn, bột canh 0.15kg; thủy hải sản đông lạnh 1,56kg; thực phẩm chế biến 1,35 kg; sản phẩm chế biến từ ngũ cốc (Mỳ ăn liền, cháo ăn liền, cơm khô, lương khô…) 60 gói.

Sở Công thương Hà Nội cũng đã làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, phân phối bán lẻ hàng hóa thiết yếu trên địa bàn để lên phương án và ước tính khả năng cung ứng hàng của từng doanh nghiệp để có phương án đưa hàng theo từng kịch bản bảo đảm nguồn cung trong các tình huống và bình ổn thị trường.

Ông Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để đảm bảo ổn định thị trường, không để hiện tượng lợi dụng dịch bệnh đầu cơ tăng giá, hàng nhái hàng giả trà trộn, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

“Dịch bệnh kéo dài dẫn đến nhu cầu khẩu trang sẽ ngày một nhiều hơn, Tổng cục Quản lý thị trường cần phối hợp với Cục Công nghiệp hoàn tất quy trình sản xuất của khẩu trang kháng khuẩn và giọt bắn để đưa ra thị trường, nhất là vào hệ thống các hiệu thuốc trên cả nước để mỗi người dân có thể dễ dàng tiếp cận”, Người đứng đầu ngành Công thương yêu cầu.

* Đà Nẵng chi thêm 121 tỉ chuẩn bị hàng hóa đối phó với dịch.Covid-19

leftcenterrightdel
 Đà Nẵng sẵn sàng đối phó với dịch trong tình huống xấu nhất.

Để đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu bình ổn thị trường và phục vụ cho người dân khi thành phố tổ chức khoanh vùng, cách ly tập trung đối với các trường hợp nghi nhiễm Covid-19, Sở Công Thương Đà Nẵng đã lên kế hoạch chuẩn bị hàng hóa nhằm bình ổn thị trường và phục vụ công tác cách ly do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại thành phố Đà Nẵng.

Theo đó, tổng giá trị nguồn hàng hóa dự trữ tại các trung tâm thương mại, chợ trên địa bàn vào khoảng gần 121 tỉ đồng.

Trong đó, lượng hàng hóa thiết yếu (gạo, đường, muối, mỳ bún phở, dầu ăn, nước mắm, mùng mền gối, xà phòng, kem bàn chải đánh răng) dự trữ tại các siêu thị, trung tâm đạt gần 100 tỷ đồng. Tại các chợ truyền thống, tổng lượng hàng hóa thiết yếu dự trữ ước đạt khoảng 21 tỷ đồng. Hàng hóa được lưu chuyển về chợ liên tục 2 đến 3 ngày một lần.

 

Minh Nhật - Lê Tâm