Tình hình khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp vẫn diễn biến khá phức tạp

Trình bày Báo cáo, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, năm 2022, tình hình khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp vẫn diễn biến khá phức tạp; mặc dù số lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại địa điểm tiếp công dân của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) và số lượng đơn do VKSND tiếp nhận giảm so với cùng kỳ năm 2021 (số lượt công dân đến trụ sở tiếp công dân giảm 23,4%; số đơn tiếp nhận giảm 3,5%) nhưng tính chất, mức độ vẫn phức tạp.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày 13/9 (ảnh: VPQH cung cấp).

Khiếu nại trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan tư pháp nói chung, của Viện kiểm sát các cấp nói riêng, vẫn chủ yếu tập trung ở một số lĩnh vực: hình sự; tố tụng dân sự, tố tụng hành chính và thi hành án hình sự, dân sự; khiếu nại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án; khiếu nại thông báo trả lời không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật của VKSND cấp cao, TAND cấp cao, VKSND tối cao, TAND tối cao.

Ngoài ra, hiện tượng công dân khiếu nại vượt cấp đang có chiều hướng gia tăng, đã gửi đơn đến nhiều cơ quan, tổ chức ở địa phương, cơ quan Trung ương, sau đó đơn được chuyển đến Viện kiểm sát để xử lý... Đáng lưu ‎ý đã xuất hiện loại việc tố cáo về hành vi của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng sau khi đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm không được chấp nhận. Một số vụ việc mặc dù đã được các cơ quan giải quyết hết thẩm quyền, đúng pháp luật nhưng công dân không đồng ý, vẫn tiếp tục gửi đơn yêu cầu giải quyết lại, đơn được công dân gửi đến nhiều ngành, nhiều cấp.

Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, đối với loại đơn này, Lãnh đạo VKSND các cấp rất quan tâm, chú trọng, đã chỉ đạo tiếp tục xem xét, giải quyết để trả lời cho người khiếu nại, tố cáo và báo cáo hoặc thông báo kết quả giải quyết đơn đến cơ quan đã chuyển đơn.

leftcenterrightdel
 Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí trình bày báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày 13/9 (ảnh: VPQH cung cấp).

Viện trưởng Lê Minh Trí khẳng định, việc hoàn thiện thể chế về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp được Lãnh đạo VKSND tối cao luôn coi là nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo đảm hoạt động nghiệp vụ của toàn Ngành được thực hiện thống nhất, đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị.

Về kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn: So với năm 2021, năm 2022 số lượt công dân đến VKSND các cấp khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được cán bộ tiếp giảm 3.008 lượt (giảm 23,4%); trong đó, lãnh đạo VKSND các cấp, Viện trưởng VKSND các cấp tiếp giảm 143 lượt (giảm 13,5%).

Về kết quả tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn: Số đơn VKSND các cấp đã tiếp nhận, xử lý: 81.051 đơn (giảm 3.025 đơn, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2021) gồm tồn cũ: 729 đơn; mới thụ lý: 80.322 đơn. Số đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của VKSND: 23.666 đơn (giảm 1.349 đơn, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2021).

Về công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp: Tiến hành trực tiếp kiểm sát và ban hành kết luận việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp tại 544 cơ quan tư pháp, gồm: Cơ quan điều tra: 372 cuộc; Tòa án: 11 cuộc; Cơ quan thi hành án: 136 cuộc; Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra: 25 cuộc.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp chiều ngày 13/9 (ảnh: VPQH cung cấp).

Viện trưởng Lê Minh Trí kiến nghị Quốc hội tiếp tục chỉ đạo rà soát để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến thời hạn giải quyết khiếu nại của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính để bảo đảm chất lượng kết quả giải quyết khiếu nại và tăng tính khả thi…

Cùng với đó, Quốc hội quan tâm hơn nữa trong việc chỉ đạo xây dựng cơ chế, biện pháp hữu hiệu để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quyền kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát; quy định về điểm dừng của việc thụ lý, giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm đối với những Bản án đã có hiệu lực pháp luật được VKSND và TAND có thẩm quyền có văn bản trả lời không có căn cứ kháng nghị, trừ một số trường hợp nhất định và có tiêu chí rõ ràng.

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí đề nghị Chính phủ quan tâm trong việc phân bổ kinh phí đầu tư xây dựng cho ngành Kiểm sát để sớm hoàn thành các dự án đầu tư trụ sở cho số đơn vị cấp huyện có trụ sở xây dựng đã lâu, theo quy mô cũ, chưa có phòng tiếp công dân riêng biệt để đáp ứng yêu cầu công tác tiếp công dân hiện nay; Chỉ đạo các ngành chức năng quan tâm và làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật cho công dân.

Chính phủ cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để bảo đảm công khai, minh bạch hoá các hoạt động công quyền, các chính sách pháp luật về đầu tư, quy hoạch, cơ chế triển khai các dự án, nhất là về thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng... để nhân dân thực hiện quyền giám sát. Qua đó phát hiện, xử lý kịp thời những hành vi sai trái, xử lý nghiêm minh kịp thời, góp phần giảm thiểu khiếu kiện đông người, vượt cấp như hiện nay...

Ngành KSND tiếp tục quan tâm đến công tác tiếp công dân và gắn việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo

Trình bày báo cáo Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) Lê Thị Nga cho biết, UBTP nhận thấy, báo cáo của Viện trưởng VKSND tối cao đã phản ánh cơ bản đầy đủ tình hình khiếu nại, tố cáo trong năm 2022; kết quả đạt được và những hạn chế, khó khăn; nguyên nhân của hạn chế; dự báo tình hình khiếu nại, tố cáo và đề ra các giải pháp khắc phục, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới.

leftcenterrightdel
 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga (ảnh: VPQH cung cấp).

UBTP nhận thấy, ngành KSND tiếp tục quan tâm đến công tác tiếp công dân và gắn việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo. VKSND tối cao đã ban hành Kế hoạch tiếp công dân định kỳ của Viện trưởng VKSND tối cao; Viện trưởng các VKSND địa phương thực hiện nghiêm việc tiếp công dân kịnh kỳ, hoặc tại một số địa phương đã tham gia phối hợp tiếp công dân với Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội.

Trong năm 2022, lãnh đạo VKSND các cấp đã tiếp 916 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo (chiếm 9,3% trên tổng số lượt tiếp công dân, tăng 1,1% so với năm 2021); qua đó góp phần giải thích, hướng dẫn, giải quyết dứt điểm nhiều khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở.

Về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, UBTP nhận thấy, năm 2022, VKSND các cấp đã triển khai một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo. Việc tiếp nhận, phân loại đơn được thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật; chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo được tăng cường, tỷ lệ quyết định giải quyết của VKSND bị hủy (thông qua công tác kiểm tra của VKSND cấp trên) giảm 11,8% so với năm 2021.

UBTP cho rằng, công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của VKSND các cấp đạt kết quả tích cực, tỉ lệ giải quyết đạt cao; đã giải quyết được 96,3% đơn khiếu nại và 93% đơn tố cáo, qua đó kịp thời phát hiện nhiều quyết định, hành vi của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có vi phạm và yêu cầu giải quyết lại.

Bên cạnh đó, UBTP cũng đề nghị Viện trưởng VKSND tối cao tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của VKSND các cấp, bảo đảm việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức vi phạm pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo.

UBTP đề nghị VKSND tối cao phối hợp với Chính phủ và các cơ quan có liên quan tiếp tục sơ kết, tổng kết việc thực hiện các quy định pháp luật hiện hành, đánh giá toàn diện và báo cáo đề xuất về những nội dung, quy định cần sửa đổi, bổ sung để làm căn cứ cho Quốc hội, UBTVQH xem xét, quyết định…

Vũ Cảnh