Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trong thời gian vừa qua, sau khi xin ý kiến của đại biểu tại kỳ họp thứ 3, cơ quan soạn thảo đã phối hợp rất chặt chẽ cùng với Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức rất nhiều các hội nghị để lắng nghe ý kiến nhiều chiều và tiếp thu những ý kiến của các vị đại biểu cũng như các chuyên gia trên lĩnh vực này để làm sao những nội dung được tiếp thu một cách đầy đủ và toàn diện nhất, ở mức cao nhất để hoàn thiện dự án luật.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh làm việc buổi chiều ngày 8/9 của Hội nghị (ảnh: VPQH cung cấp).

Tổ chức đánh giá năng lực khám, chữa bệnh trước khi cấp giấy phép hành nghề

Đi vào giải trình các vấn đề cụ thể, đối với ý kiến của các đại biểu Quốc hội quan tâm về vấn đề tổ chức đánh giá năng lực khám, chữa bệnh trước khi cấp giấy phép hành nghề, Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, đây là một nội dung mới của dự án luật lần này.

Đối với dự thảo luật đã được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 đã quy định những điều kiện để được cấp giấy phép hành nghề, đó là phải đạt được kết quả tại kỳ kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề do Hội đồng Y khoa quốc gia tổ chức. Thời điểm hiện nay đang xây dựng là thời điểm sau khi hoàn thành chương trình thực hành để làm sao chúng ta có những đội ngũ khi thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, khám, chữa bệnh phải đạt được những yêu cầu, bởi vì sức khỏe nhân dân là vốn quý và chúng ta cũng là một ngành nghề có điều kiện.

leftcenterrightdel
 Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đại diện cơ quan soạn thảo dự án luật giải trình, báo cáo thêm về các ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu (ảnh: VPQH cung cấp).

“Về phía cơ quan soạn thảo chúng tôi rất mong các vị đại biểu Quốc hội ủng hộ theo hướng là chúng ta quy định thời điểm kiểm tra sau khi đã hoàn thành chương trình thực hành. Bởi vì, việc thực hành sau tốt nghiệp không phải là việc học thêm bất kỳ một chương trình đào tạo nào mà đây chính là quá trình người học áp dụng những kiến thức của mình trong quá trình học tại trường, lớp để áp dụng trong thực tế, dưới sự hướng dẫn của người thực hành, đó là những bác sĩ để làm sao quen dần với môi trường thực tế” - Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan phân tích.

Hội đồng Y khoa Quốc gia chỉ thực hiện việc đánh giá năng lực hành nghề

Về vấn đề Hội đồng Y khoa quốc gia, Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết,  dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 cũng chỉ quy định Hội đồng Y khoa quốc gia cấp, đình chỉ, thu hồi giấy phép hành nghề nhưng chưa có quy định cụ thể về mô hình, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa quốc gia.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cùng nhiều đại biểu Quốc hội khác tham gia phát biểu, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết tại Hội nghị (ảnh: VPQH cung cấp).

Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu tại kỳ họp thứ ba, dự thảo Luật đã có một số điều chỉnh, chỉ giao cho Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện việc đánh giá năng lực hành nghề, còn việc cấp, đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động sẽ do các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện để đảm bảo giá trị pháp lý cũng như đảm bảo được tính hệ thống trong quá trình triển khai thực hiện của các cơ quan nhà nước.

Người nước ngoài khám, chữa bệnh nhân đạo không cần phải biết tiếng Việt

Về vấn đề sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh, Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, đây cũng là một nội dung mà ngay từ kỳ họp thứ 3 và đến nay cũng chắc chắn cũng sẽ có rất nhiều đại biểu quan tâm. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 thì dự án luật đã có báo cáo giải trình thêm là đối với người hành nghề là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà đăng ký khám, chữa bệnh tại Việt Nam thì mới yêu cầu phải biết tiếng Việt thành thạo và trừ trường hợp những người đó hành nghề cho những người cùng có ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ.

Đối với những người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào để khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, đào tạo, thực hành về khám bệnh, chữa bệnh, chuyển giao kỹ thuật, chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh thì không có quy định là phải biết tiếng Việt thành thạo.

leftcenterrightdel
 Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã kết thúc thành công, tốt đẹp vào cuối giờ chiều ngày 8/9 (ảnh: VPQH cung cấp).
 Có lộ trình tính đúng, tính đủ giá khám, chữa bệnh

Liên quan đến vấn đề về giá khám bệnh, chữa bệnh, Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, đây là một nội dung nếu thời điểm này có đưa được những định hướng thì cũng rất phù hợp. Bởi vì hiện nay Chính phủ đang giao cho vấn đề là sửa đổi Luật Giá và cùng với Luật Giá (sửa đổi) thì Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ tạo ra được 1 hệ thống hành lang pháp lý hết sức đồng bộ để có những quy định liên quan đến vấn đề về giá khám bệnh, chữa bệnh.

Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, vấn đề định hướng về việc triển khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các quy định tại các nghị quyết của Đảng, những định hướng, chủ trương chung đã thể hiện rất rõ. Chúng ta có lộ trình tính đúng, tính đủ làm sao đáp ứng được yêu cầu chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cũng như đáp ứng được các yêu cầu về cân đối, cũng như đảm bảo ổn định vĩ mô cũng như đáp ứng được chi phí của người dân.

“Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, đây cũng là một nội dung đi chậm hơn so với các chính sách khác, tạo ra các áp lực cho các bệnh viện, kể cả trong các khu vực của trung ương cũng như tuyến dưới trong quá trình thực hiện chế độ tự chủ của mình” – Bà Lan nhìn nhận.

Ngay sau phần giải trình, báo cáo thêm về các ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu của Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã kết luận nội dung thảo luận và tuyên bố kết thúc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.
Vũ Cảnh