|
|
Toàn cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 17/11. |
Tăng 804.000 người hưởng ngân sách
Nêu quan điểm về dự luật này, ĐB Nguyễn Mai Bộ (Đoàn An Giang) cho biết, theo hồ sơ dự án luật thì nếu được thông qua, lực lượng tham gia bảo vệ trị an ở cơ sở sẽ có 1,5 triệu người hưởng ngân sách thường xuyên, giảm 500.000 người so với hiện nay, con số này chưa thực sự thuyết phục.
ĐB Nguyễn Mai Bộ nêu dẫn chứng, theo Pháp lệnh công an xã thì hiện nay có 126.000 công an xã bán chuyên trách, còn theo Nghị định 38 năm 2006 về việc bảo vệ dân phố thì tổ bảo vệ dân phố chỉ có ở phường, thị trấn với số lượng là 70.000 người. Theo Luật phòng cháy, chữa cháy, do không chịu được chi phí về ngân sách nên hiện nay chỉ có 23% cơ sở thành lập lực lượng này với con số thực tế là 500.000 người. Như vậy, thực tế 3 lực lượng trên hiện nay có tổng số là 696.000 người.
|
|
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang). |
Trong khi đó, chỉ có 2 lực lượng công an xã bán chuyên trách và tổ bảo vệ dân phố là hưởng ngân sách thường xuyên với tổng số 196.000 người, còn dân phòng chỉ được hưởng khi thực sự làm việc và bồi dưỡng về nghiệp vụ.
“Nếu thành lập lực lượng này thì sẽ tăng thêm 804.000 người hưởng ngân sách hàng tháng chứ không phải giảm 500.000 người như dự thảo luật nêu” – ĐB Nguyễn Mai Bộ cho biết.
Ngoài ra, ĐB Nguyễn Mai Bộ cũng đưa ra một vấn đề bất hợp lý trong dự luật này: “Theo các điều từ 19 - 22 dự thảo luật này, ngân sách địa phương phải chỉ trả từ trụ sở, phụ cấp, bảo hiểm…tôi e rằng ngân sách của địa phương sẽ không còn để đầu tư phát triển, bố trí cho an sinh xã hội”.
Từ đó, ĐB này đặt câu hỏi chất vấn đến Bộ trưởng Nội vụ “Bộ trưởng có ý kiến gì về việc 804.000 người tăng thêm này, trong đó 500.000 người đang hưởng phụ cấp vụ việc lại chuyển vào hưởng phụ cấp hằng tháng?”, và câu hỏi đến Bộ trưởng Bộ Tài chính: “Đề nghị Bộ trưởng tạm tính chi phí trụ sở, để cho lực lượng này hoạt động thì sẽ chiếm tỉ lệ bao nhiêu trong ngân sách của địa phương?”.
Chính quy hay quần chúng tự nguyện?
Khẳng định việc bảo vệ an ninh ở cơ sở là rất quan trọng, tuy nhiên đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến tre) bày tỏ băn khoăn, việc cơ cấu 1,5 triệu người tham gia lực lượng này có vẻ giống như đang áp dụng trong tình trạng khẩn cấp thời chiến, gấp nhiều lần quân thường trực thì có cần thiết hay không?
|
|
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn ĐBQH Bến tre). |
“Trước đây chúng ta có lực lượng công an xã, làm rất tốt. Vì câu chuyện tinh giản biên chế, tổ chức bộ máy của công an đã chuyển … quân chính quy về xã. Tôi đọc dự án, lực lượng này gọi là phối hợp nhưng thực hiện hầu hết công việc của công an xã. Sau này nếu lực lượng này ra đời công an xã sẽ lười biếng. Như vậy có vấn đề đã phình ở cơ sở nay lại tiếp tục phình?” – Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đặt câu hỏi.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu toàn diện, cân nhắc đầy đủ các khía cạnh, đặt trong bối cảnh tình hình đất nước, địa phương, các lực lượng công an, quân đội… để nghiên cứu lại các quy định. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần tổ chức tổng kết công tác bảo vệ anh ninh trật tự cơ sở trong đó đặc biệt làm rõ sự phối hợp giữa CAND và dân quân tự vệ ở địa phương để xây dựng đề án tăng cường phối hợp giữa 2 lực lượng này, trên cơ sở đó có giải pháp phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn Đồng Tháp) cho biết, về lý thuyết là thu gọn đầu mối nhưng qua phân tích, hoàn toàn không phải như vậy. Bộ máy rõ ràng đang phình ra so với hiện hành. Dự thảo luật quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện và đóng vai trò tham gia. Tuy nhiên, qua cách thể hiện trong dự thảo thuật, rõ ràng không đúng tinh thần nêu ra.
Đại biểu Hoa đặt câu hỏi: “Ví dụ lực lượng hình thành lực lượng tham gia bảo vệ ATTT cơ sở trên cơ sở lực lượng quần chúng tự nguyện, nhưng trong tất cả quy định về tổ chức, chính sách, chế độ … không còn là quần chúng tự nguyện mà có tổ chức rõ. Vậy, thì ngân sách cho lực lượng là bao nhiêu, nếu không thực hiện phụ cấp, chuyển sang bồi dưỡng không lấy từ ngân sách thì sẽ lấy từ nguồn đóng góp của quần chúng, vậy xây như thế nào?”.
Ngân sách địa phương khó đáp ứng nổi
Đồng quan điểm với ĐB Nguyễn Mai Bộ, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ băn khoăn liệu có cần thiết phải ban hành Luật này hay không? Theo ĐB Hòa, hiện nay lực lượng tham gia bảo vệ cơ sở có: dân phòng, ban bảo vệ dân phố, công an viên không chuyên trách, tổ tuần tra biên giới và lực lượng dân quân.
|
|
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp). |
Khẳng định đã nắm số liệu rất chắc và chịu trách nhiệm về số liệu mình cung cấp, Đại biểu Hòa cho rằng, dự thảo Luật đưa ra con số giảm 500.000 người là không thực tế. Vì các lực lượng trên mỗi địa phương đều khác nhau.
“Có địa phương thành lập tổ dân phòng theo Luật phòng cháy chữa cháy, nhưng có địa phương do điều kiện ngân sách không thành lập lực lượng này. Số liệu trong Tờ trình của Chính phủ đưa ra có 1,5 triệu người tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở có nghĩa là tăng chứ không hề giảm” - ĐB Hòa nhấn mạnh.
ĐB Hòa cũng bày tỏ băn khoăn về một vấn đề khác trong dự luật đó là, ngân sách bố trí cho lực lượng này theo dự thảo Luật là 1,5 - 1,8 tỷ đồng/tháng/địa phương thì may ra chỉ có những địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội chứ các địa phương ngân sách khó khăn e rằng khó đáp ứng nổi.