leftcenterrightdel
 Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội - một trong những “chứng nhân” của lịch sử dân tộc. Ảnh: Tư liệu.  

Hà Nội và mùa Thu cách mạng

Trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám lịch sử, khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội có ý nghĩa quyết định, thúc đẩy Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trên phạm vi cả nước. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), không khí cách mạng ở Hà Nội càng thêm sục sôi. Xứ ủy Bắc kỳ, Thành ủy Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng quân sự chuẩn bị khởi nghĩa; đồng thời tổ chức phát động nhiều phong trào đấu tranh để rèn luyện, tập dượt quần chúng.

Đêm 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra Quân lệnh số 1, phát lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi cả nước. Trước tình hình chuyển biến mau lẹ, Xứ ủy Bắc Kỳ họp (tối 14 và ngày 15/8/1945) tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), quyết định tiến hành khởi nghĩa trong 10 tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ. Riêng vấn đề khởi nghĩa ở Hà Nội cần được cân nhắc kỹ do còn hơn 1 vạn quân Nhật chiếm đóng trong thành phố. Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định thành lập Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội (tức Ủy ban khởi nghĩa) để tích cực chuẩn bị khởi nghĩa.

Thực hiện chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, Thành ủy Hà Nội triệu tập Hội nghị quân sự bất thường (ngay tối 15/8/1945) tại chùa Hà (Dịch Vọng, Cầu Giấy) bàn về kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa. Hội nghị nhận định, tuy Chính phủ Nhật đã đầu hàng quân Đồng minh, nhưng quân Nhật ở Hà Nội còn đông, lại được trang bị các loại vũ khí hiện đại. Chúng có thể sẽ sẵn sàng nổ súng chống lại cách mạng khi bị đẩy vào tình thế nguy cấp.

Trong khi đó, về phía ta, tuy lực lượng quần chúng cách mạng đông đảo nhưng lực lượng vũ trang tập trung còn mỏng, trang bị phần lớn là vũ khí thô sơ, mới qua một vài lớp huấn luyện quân sự cấp tốc. Từ nhận định trên, Hội nghị chủ trương tiếp tục tìm giải pháp phù hợp, cố gắng tránh xung đột vũ trang với quân đội Nhật; dự kiến phương pháp khởi nghĩa: lấy lực lượng vũ trang làm lực lượng xung kích đi đầu, huy động đông đảo lực lượng quần chúng cách mạng có vũ trang tham gia khởi nghĩa giành chính quyền; tiếp tục tăng cường tập hợp, phát triển lực lượng vũ trang và nửa vũ trang, trang bị thêm vũ khí, sẵn sàng đối phó với quân Nhật khi cần thiết.

Trong thời gian này, các đội xung kích của ta vẫn tích cực hoạt động. Tối ngày 15/8/1945, Đội tuyên truyền xung phong của Việt Minh tổ chức diễn thuyết công khai ở những rạp hát lớn trong thành phố. Ngày 16/8/1945, truyền đơn, biểu ngữ kêu gọi khởi nghĩa xuất hiện khắp nơi.

Tuy nhiên, chiều 17/8/1945, Tổng hội Viên chức tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại Nhà hát Lớn với mục đích ủng hộ Chính phủ thân Nhật. Nắm bắt kế hoạch từ trước, Đảng bộ Hà Nội của Đảng Cộng sản Đông Dương đã bí mật huy động quần chúng trong các tổ chức cứu quốc ở nội, ngoại thành đến tham dự, biến cuộc mít tinh thân Nhật thành cuộc mít tinh ủng hộ Việt Minh, sau đó thành một cuộc biểu tình tuần hành qua các phố, có cờ đỏ Sao Vàng dẫn đầu, vừa hô vang các khẩu hiệu “Ủng hộ Việt Minh,” “Đả đảo bù nhìn,” “Việt Nam hoàn toàn độc lập”… Cuộc biểu tình tuần hành diễn ra sôi động, lôi kéo thêm hàng vạn quần chúng xuống đường với khí thế cách mạng chưa từng thấy.

Nhận thấy thời cơ cách mạng đã chín muồi, ngay tối 17/8/1945, Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ và Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội quyết định phát động khởi nghĩa bằng phương thức: Huy động sức mạnh của quần chúng, lấy lực lượng chính trị quần chúng làm cơ bản, với lực lượng vũ trang làm nòng cốt, tổ chức mít tinh ở quảng trường Nhà hát Lớn, sau đó chuyển thành tuần hành thị uy chiếm những cơ quan trọng yếu của chính phủ bù nhìn.

Để bảo đảm cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi, không đổ máu, Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ và Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội chủ trương tiếp tục giữ quân đội Nhật trong trạng thái “án binh bất động”. Do đó, không đặt ra vấn đề tước vũ khí của quân Nhật, cũng không đánh chiếm những nơi có quân Nhật đang đóng giữ (Phủ Toàn quyền, Bộ Tổng tham mưu, thành Cửa Bắc, Ngân hàng Đông Dương...).

Thực hiện mệnh lệnh phát ra, trong ngày 18/8/1945, không khí sửa soạn khởi nghĩa bao trùm khắp Hà Nội. Đến sáng 19/8/1945, cả Thủ đô tràn ngập khí thế cách mạng. Đồng bào tập trung kéo đến Quảng trường Nhà hát Lớn dự cuộc mít tinh do Mặt trận Việt Minh tổ chức. Đại biểu Việt Minh đọc tuyên ngôn, chương trình của Việt Minh và kêu gọi nhân dân đứng dậy giành chính quyền. Cuộc mít tinh nhanh chóng chuyển thành biểu tình, chia ra nhiều đoàn đi chiếm các công sở của chính quyền bù nhìn. Trước khí thế khởi nghĩa của quần chúng, quân Nhật không dám chống lại.

Tối 19/8/1945, các cơ quan quan trọng của chính quyền bù nhìn tay sai tại Hà Nội đã về tay cách mạng, Việt Minh hoàn toàn làm chủ thành phố. Cuộc khởi nghĩa đã thắng lợi hoàn toàn. Sự kiện này có tác dụng cổ vũ lớn đối với phong trào cách mạng cả nước, đặc biệt là ở Huế, Sài Gòn…

Những ngày cuối tháng 8/1945, nhân dân Hà Nội nhiệt liệt chào đón Giải phóng quân cùng các cơ quan đầu não Trung ương Đảng, Chính phủ cách mạng lâm thời từ căn cứ Việt Bắc về, mở ra một cột mốc lịch sử mới của thời đại.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), trước hàng chục vạn đồng bào tham dự mít tinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Cách mạng lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

“Chứng nhân” của những sự kiện lịch sử

Theo tư liệu của Nhà hát Lớn Hà Nội, khu đất xây dựng Nhà hát Lớn trước kia là một vùng đầm lầy thuộc đất của hai làng Thạch Tần và Tây Luông thuộc Tổng Phúc Lân, huyện Thọ Xương. Vào năm 1899, Hội đồng thành phố nhóm họp dưới quyền chủ tọa của Richard là Công sứ Hà Nội đề nghị lên Toàn quyền Fourer cho xây Nhà hát.

Tác giả đồ án thiết kế là kiến trúc sư Harlay và Broyer. Bản thiết kế này phải sửa đổi nhiều bởi sự góp ý của nhiều kiến trúc sư. Công trình được khởi công vào ngày 7 tháng 6 năm 1901, dưới sự giám sát kỹ thuật của thanh tra đô thị - kiến trúc sư Harlay, một trong hai tác giả thiết kế. Người phụ trách thi công là ông Travary và Savelon.

leftcenterrightdel
Nằm ở phía trước Nhà hát Lớn, Quảng trường Cách mạng tháng Tám (phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc Việt Nam. 

Việc san lấp mặt bằng diễn ra rất vất vả. Hàng ngày, có 300 công nhân làm việc, 35.000 cọc tre được đóng với khối bê tông dày 90 cm. Công trình phải sử dụng hơn 12.000m3 vật liệu, gần 600 tấn gang thép. Công trình chiếm diện tích 2.600m2, chiều dài công trình là 87m, chiều rộng là 30m, điểm cao nhất của công trình so với mặt đường là 34m. Mặt trước của công trình rất bề thế, có nhiều bậc trông ra Quảng trường rộng (Quảng trường Cách mạng tháng Tám).

Bên trong Nhà hát trước đây có sân khấu rộng và một phòng khán giả chính có diện tích 24x24m, ngày đó chứa được 870 chỗ ngồi, ghế ngồi bọc da, một số chỗ bọc bằng nhung. Tầng giữa có nhiều phòng nhỏ dành cho khán giả có vé riêng. Cầu thang giữa lên tầng 2 là một sảnh chính rộng. Cầu thang phụ và hành lang ở hai bên. Phía sau Nhà hát là một Phòng quản trị, có 18 buồng cho diễn viên hoá trang, 2 phòng tập hát, 1 thư viện và phòng họp. Phía mặt trước trên tầng 2 là phòng gương rất lộng lẫy. Kinh phí xây dựng Nhà hát được duyệt vào lúc đó là 2.000.000 Frăng Pháp.

Nhà hát lúc đó được sử dụng là nơi biểu diễn các loại hình nghệ thuật cổ điển như: Opera, nhạc thính phòng, kịch nói... phục vụ tầng lớp quan lại, thượng lưu người Pháp và một số ít người Việt giàu có.

Nhà hát Lớn Hà Nội có giá trị rất lớn về mặt kiến trúc, nhất là về mặt lịch sử, là bằng chứng lịch sử của sự phát triển văn hóa - xã hội của Hà Nội và Việt Nam thời kỳ Pháp thuộc. Nhà hát Lớn Hà Nội và Quảng trường Nhà hát là nơi diễn ra những sự kiện lịch sử trọng đại gắn liền với cuộc Cách mạng tháng Tám và những năm đầu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cụ thể, ngày 17/8/1945, Tổng hội Viên chức tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại Nhà hát Lớn với mục đích ủng hộ chính phủ thân Nhật. Tuy nhiên, ngay sau đó nó đã biến thành cuộc mít tinh ủng hộ Việt Minh. Đến sáng 19/8/1945, đồng bào Hà Nội đã tập trung kéo đến Quảng trường Nhà hát Lớn dự cuộc mít tinh do Mặt trận Việt Minh tổ chức kêu gọi giành chính quyền. Cuộc mít tinh nhanh chóng chuyển thành biểu tình, chia ra nhiều đoàn đi chiếm các công sở của chính quyền bù nhìn. Hà Nội về tay nhân dân.

Tiếp đến, ngày 29/8/1945, Đoàn quân giải phóng Việt Bắc về Hà Nội ra mắt tại Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. Ngày 16/9/1945, tại Quảng trường Nhà hát đã diễn ra Tuần lễ vàng. Đầu tháng 10/1945, tổ chức ngày Nam Bộ kháng chiến tại Quảng trường Nhà hát. Ngày 5/3/1945, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa họp khóa đầu tiên tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Ngày 2/9/1946, diễn ra cuộc mít tinh kỷ niệm 1 năm Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đó cũng là ngày Bác Hồ lần đầu tiên đặt chân vào Nhà hát Lớn Hà Nội. Ngày 28/10/1946, Quốc hội họp khóa II thông qua Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và kể từ đó Nhà hát Lớn Hà Nội là nơi Quốc hội họp kỳ thứ nhất, thứ hai, thứ tư và những khóa tiếp theo cho đến ngày có Hội trường Ba Đình.

Nhà hát Lớn Hà Nội là nơi đã chứng kiến những giây phút hòa bình đầu tiên trên đất nước Việt Nam, là “nhân chứng” cách mạng của Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến. Từ đó đến nay, Nhà hát vẫn luôn là trung tâm của các cuộc họp, hội nghị, mít tinh quan trọng và các buổi biểu diễn mang tính nghệ thuật cao của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế.

Trải qua lớp bụi thời gian, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Nhà hát Lớn Hà Nội và Quảng trường Cách mạng tháng Tám ngày càng trở nên khang trang, bề thế. Nhà hát Lớn và Quảng trường Cách mạng tháng Tám vẫn là những địa điểm mà du khách trong nước và quốc tế khi đến Hà Nội không thể không ghé thăm. Bởi đây đã, đang và sẽ mãi là một trong những biểu tượng sống động nhất, gần gũi nhất về Cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, một cuộc Cách mạng đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một trong những mốc son chói lọi nhất.

Vũ Minh Khôi