leftcenterrightdel
PGS. TS Trần Thị Minh Ngọc, Trưởng khoa Xã hội học và Phát triển, Học viện chính trị khu vực I.

Theo PGS.TS Trần Thị Minh Ngọc, việc Chủ tịch nước vừa ký Quyết định đặc xá cho hơn 3.000 phạm nhân đủ điều kiện được đặc xá nhân dịp Quốc khánh 2/9, thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước đối với phạm nhân.

Chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước không chỉ dừng lại ở việc đặc xá tha tù trước thời hạn mà còn được thể hiện trong việc tạo điều kiện để những người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng. Chính sách đặc xá là cơ hội khuyến khích phạm nhân hối cải, rèn luyện, cải tạo tốt, trở thành người có ích cho xã hội và không tái phạm.

Điều này đã thể hiện được bản chất tốt đẹp, nhân văn vì con người của chế độ XHCN trong việc đối xử với người phạm tội, tạo động lực cho những người phạm tội có cơ hội để sửa chữa lỗi lầm, tái hoà nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.

Chính sách đặc xá vừa thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam đối với người bị kết án phạt tù, vừa nghiêm trị những người ngoan cố, gây nguy hiểm cho xã hội; vừa khoan hồng đối với những phạm nhân cải tạo tốt, biết ăn năn, hối cải để trở thành người lương thiện, khuyến khích phạm nhân phấn đấu học tập, rèn luyện tiến bộ trở thành người có ích cho xã hội.

Chính sách đặc xá còn khẳng định tính đúng đắn của chế độ ta, không chỉ tha tù trước thời hạn mà còn thể hiện ở việc tạo điều kiện cho những phạm nhân được đặc xá tha tù tái hoà nhập cộng đồng trước ngày 1/9, kịp đoàn tụ với gia đình đúng ngày Quốc khánh.

Chính sách đặc xá thể hiện ở nguyên tắc công bằng, bình đẳng, không phân biệt đối xử, công khai, dân chủ, đúng đối tượng và đúng điều kiện đã được quy định để tất cả các phạm nhân có đủ điều kiện đều được xem xét và không để bất kỳ phạm nhân nào không đủ điều kiện theo quy định lại được xem xét đặc xá.

Chính sách đặc xá một mặt làm giảm áp lực cho các cơ sở giam giữ, tạo điều kiện nâng cấp các cơ sở giam giữ, trang thiết bị, nâng cao chất lượng giáo dục cải tạo phạm nhân, chuẩn bị các cơ sở cần thiết cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng khi mãn hạn tù; Mặt khác, còn củng cố niềm tin của những người phạm tội, gia đình phạm nhân và nhân dân vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vào bản chất của chế độ Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong giải quyết ân xá.

leftcenterrightdel
Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến và Vụ trưởng Vụ 8 Lương Minh Thống  trao Quyết định đặc xá cho các phạm nhân. Ảnh: Trần Tùng  

Dưới góc nhìn của nhà xã hội học, PGS. TS Trần Thị Minh Ngọc cho rằng, việc thực hiện chính sách đặc xá có vai trò xã hội to lớn, khuyến khích người phạm tội cải tạo tốt để được đặc xá, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự xã hội. Giúp những người đặc xá phấn đấu học tập, rèn luyện tiến bộ, vượt qua khó khăn, mặc cảm, có ý thức hoàn lương, hướng thiện, tự giác lao động sản xuất, nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội.

“Rất tiếc, đến nay ở Việt  Nam còn thiếu vắng các công trình xã hội học, điều tra khảo sát về đặc điểm nhân khẩu và cơ cấu (lứa tuổi, giới tính, học vấn, dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, thành phần xuất thân, tình trạng hôn nhân…) của người được đặc xá. Đời sống của người được đặc xá, nhu cầu, các hoạt động xã hội, tình trạng thất nghiệp, thực trạng việc làm và thu nhập của người được đặc xá, các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình tái hòa nhập cộng đồng của người đặc xá, chính sách đối với người đặc xá, tỷ lệ tái phạm của người được đặc xá… Khó khăn hòa nhập cộng đồng của người được đặc xá. Vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong hỗ trợ người được đặc xá hòa nhập cộng đồng…” – PGS. TS Trần Thị Minh Ngọc bày tỏ.

Cũng theo PGS.TS  Trần Thị Minh Ngọc, kết quả thống kê của các cơ quan chức năng từ năm 2009 đến 2016, Nhà nước ta đã thực hiện 7 đợt đặc xá (riêng năm 2009 có 2 đợt) nhân các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước, đặc xá cho 87.111 người (85.974 phạm nhân và 1.123 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù); tỷ lệ tái phạm rất ít, chỉ có 1,18% người được đặc xá tái phạm.

Kết quả rà soát của các cơ quan chức năng đối với 31.372 người được đặc xá trong 5 năm gần đây cho thấy: Trong số 29.678 người được đặc xá đã trở về địa phương khai báo, trình diện với chính quyền (94,60%) chỉ có 1.429 người có hành vi vi phạm pháp luật trở lại, chiếm 4,81%, so với 16, 5% là tỷ lệ tái phạm chung, trong đó chỉ có 847 người có hành vi tái phạm bị xử lý hình sự.

 Sau khi trở về với gia đình, người được hưởng chính sách đặc xá tiếp tục được xã  hội giúp đỡ tái hoà nhập cộng đồng. Tỷ lệ tái phạm trong số được đặc xã thấp hơn nhiều so với số phạm nhân mãn hạn tù. Một số địa phương do làm tốt công tác tiếp nhận, quản lý, động viên, giúp đỡ, giáo dục, tạo việc làm, tỷ lệ tái phạm thấp hơn như Nghệ An, Thanh Hoá, Đồng Nai…

Theo báo cáo của tỉnh Nghệ An, từ năm 2000 đến năm 2005, toàn tỉnh có 1.968 người được đặc xá về địa phương thì chỉ có 213 trường hợp tái phạm (1,06%). Ở huyện Nghĩa Đàn chỉ có 5/84 trường hợp tái phạm (5,4%); huyện Hưng Nguyên có 8/86 tái phạm (chiếm 8%); huyện Con Cuông có 3/27 tái phạm (chiếm 11%)… Đặc biệt, ở thị xã Cửa Lò, 100% (55/55) số người được đặc xá không tái phạm (chỉ có 5 người nghiện ma tuý bị đưa đi cai nghiện).

Theo số liệu của Bộ Công an, qua theo dõi đợt đặc xá gần đây (năm 2013), sau một năm thực hiện đặc xá, số người được đặc xá có hành vi vi phạm pháp luật chiếm tỷ lệ 0,73%.

Điều này cho thấy, số lượng người được đặc xá đông nhưng tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương có người đặc xá vẫn được bảo đảm, không xảy ra phức tạp do người được đặc xá gây nên. Hiệu quả công tác đặc xá được thể hiện bằng tỷ lệ tái phạm thấp chứng tỏ chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn và công tác đặc xá đã được tổ chức triển khai nghiêm túc, theo đúng các quy định của pháp luật.

Hoài Thu