Nghị quyết nêu rõ trong thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo tại các nghị quyết của Chính phủ; tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện việc thực thi pháp luật, chủ động đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định không còn phù hợp hoặc chưa có quy định đầy đủ; trực tiếp chỉ đạo xây dựng các đề nghị xây dựng luật, dự án luật; ưu tiên các nguồn lực đầu tư về nhân lực và kinh phí để triển khai nhiệm vụ công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm yêu cầu về tiến độ và chất lượng.

Trong quá trình soạn thảo các dự án luật cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Đảng, Quốc hội, cơ quan, tổ chức liên quan khác để tạo sự đồng thuận; tăng cường truyền thông chính sách, tạo đồng thuận trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Về Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Chính phủ cơ bản thống nhất với các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) do Bộ Tư pháp trình, về các chính sách cụ thể: Tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cơ chế thu hút, sử dụng nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô; cơ chế huy động nguồn lực, nâng cao năng lực tài chính-ngân sách cho phát triển của Thủ đô; hoàn thiện các quy định về quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô.

Cơ chế, chính sách xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; cơ chế, chính sách phát triển văn hóa và giáo dục, đào tạo Thủ đô; huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; cơ chế, chính sách phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững; cơ chế, chính sách liên kết, phát triển Vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế-xã hội, văn minh, năng động, trở thành khu vực trọng điểm.

Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật bảo đảm các yêu cầu sau:

- Tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các nghị quyết, chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, văn bản của các cơ quan có thẩm quyền khác có liên quan để nghiên cứu, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương này, tạo điều kiện để Thủ đô phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

- Trong quá trình xây dựng Luật cần rà soát chọn lọc một số giải pháp chính sách trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, tránh trùng lặp với các chính sách chung áp dụng trong phạm vi cả nước, rà soát, chọn lọc các quy định có liên quan tới Thủ đô, luật hóa các quy định tại văn bản dưới luật; đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho một số tỉnh, thành phố trong thời gian qua; chọn lọc những cơ chế, chính sách phát huy hiệu quả trong thực tiễn để đưa vào dự án Luật này; quy định rõ nguyên tắc ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô để tạo thuận lợi cho quá trình áp dụng, thực thi Luật Thủ đô.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 2/2023. (Ảnh: TTXVN)

- Các chính sách cần kế thừa, bổ sung, luật hóa những quy định hiện hành đã được thực tiễn chứng minh là phù hợp, ưu tiên các cơ chế chính sách trọng điểm, đặc thù trong lĩnh vực đầu tư, tài chính, quy hoạch, đất đai, xây dựng hạ tầng, giao thông, môi trường, văn hóa, khoa học và công nghệ như: cơ chế huy động nguồn lực hợp tác công tư (trong đó có các hình thức BT, BOT...); cơ chế đầu tư hạ tầng giao thông hiệu quả nhằm giảm tải, giảm áp lực về hạ tầng giao thông; huy động các nguồn vốn linh hoạt, hiệu quả,...

- Các chính sách cần bảo đảm yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính; phân cấp, phân quyền trong quản lý kết hợp phân bổ nguồn lực hợp lý; tổ chức bộ máy, biên chế khả thi, hiệu quả; có chính sách đột phá, thu hút được các nguồn lực, nhân tài cho sự phát triển của Thủ đô; có cơ chế kiểm soát quyền lực, thanh tra, giám sát, bảo đảm sự phát triển nhanh, mạnh và bền vững của Thủ đô.

- Nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, quy hoạch, đất đai, xây dựng, nhà ở (đặc biệt là nhà ở xã hội), giao thông, môi trường, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ, cơ chế thu hút nhân tài; cơ chế thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; cơ chế thu hút nguồn lực phát triển các lĩnh vực về: văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội, môi trường,...

Về mô hình tổ chức chính quyền TP Hà Nội, Chính phủ yêu cầu rà soát, hoàn thiện các quy định cụ thể theo hướng tổ chức chính quyền Thành phố thực hiện theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 (không tổ chức HĐND phường), bổ sung chính quyền thành phố thuộc TP Hà Nội; tiếp tục hoàn thiện bộ máy chính quyền các cấp bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Về Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Chính phủ cơ bản thống nhất với các nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá như đề xuất của Bộ Tư pháp về các chính sách: Hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên; tổ chức, hoạt động, quyền và nghĩa vụ của tổ chức đấu giá tài sản; hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, bảo đảm sự phù hợp với thực tiễn, chặt chẽ, công khai, minh bạch và thống nhất; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá tài sản, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đấu giá, tránh tình trạng tiêu cực, gây thất thoát tài sản; hoàn thiện các quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong hoạt động đấu giá tài sản; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đấu giá tài sản.

Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật bảo đảm các yêu cầu sau:

- Trên cơ sở tổng kết, đánh giá kỹ việc thực hiện các quy định của Luật hiện hành để sửa đổi, bổ sung các quy định phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi, khắc phục được các khó khăn, vướng mắc, bất cập; phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; thể hiện đầy đủ các chính sách đã được Chính phủ thông qua trong Đề nghị xây dựng Luật này; thể hiện rõ nguyên tắc phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước về hoạt động đấu giá.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá của các tổ chức, doanh nghiệp cũng như trong quản lý Nhà nước về đấu giá; bảo đảm công khai, minh bạch; phòng, chống tiêu cực, thất thoát tài sản, ngăn ngừa việc lợi dụng chính sách đấu giá để thông đồng, nâng giá hoặc giảm giá tài sản; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong hoạt động đấu giá.

- Cần nghiên cứu để có cơ chế đấu giá phù hợp đối với các tài sản đặc thù như: Quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, biển số phương tiện giao thông cơ giới, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu, di sản văn hóa... nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.

- Quá trình xây dựng chính sách, xây dựng Luật cần bảo đảm sự tham gia có hiệu quả của các cơ quan, tổ chức, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế.

Ngoài ra, Nghị quyết còn đề cập đến đề nghị xây dựng Luật Phòng không nhân dân; về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi); Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); về Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

P.V