|
|
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp). |
Quan điểm xây dựng Luật tập trung vào 5 nội dung chính
Đề cập về mục đích ban hành, quan điểm xây dựng dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long khẳng định: Dự án Luật được xây dựng nhằm phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước; tạo môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số.
|
|
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày tờ trình (ảnh: VPQH cung cấp). |
Quan điểm xây dựng Luật tập trung vào 5 nội dung chính:
Một là, thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển ngành công nghiệp công nghệ số, đặc biệt là Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, …
Hai là, khắc phục các hạn chế, bất cập hiện nay trên cơ sở phân tích, đánh giá hiện trạng thực thi các quy định pháp luật về công nghiệp CNTT và dịch vụ CNTT theo pháp luật hiện hành. Đồng thời, đề xuất chính sách khả thi nhằm quy định cụ thể, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, đặc biệt cho các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số; tạo cơ chế ưu đãi cho công nghiệp công nghệ số, trong đó có một số đặc biệt ưu đãi đầu tư; và ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt.
|
|
Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp). |
Ba là, Luật Công nghiệp công nghệ số được xây dựng trên cơ sở kế thừa có chọn lọc các quy định còn phù hợp của Luật Công nghệ thông tin và các văn bản hướng dẫn thi hành về công nghiệp CNTT; thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành về đầu tư, tài chính, khoa học công nghệ …, đồng bộ với các dự thảo luật có liên quan đang trong quá trình soạn thảo (Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Dữ liệu, …), sửa đổi bổ sung một số nội dung trong các Luật (Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu, …) để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho thực thi, áp dụng.
Bốn là, tham khảo có chọn lọc pháp luật và kinh nghiệm quốc tế để vận dụng phù hợp với thực tiễn của Việt Nam nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển của công nghiệp 4.0 và kinh tế số nói riêng, đặc biệt là tham khảo, học tập quy định quản lý những công nghệ mới tại các đạo luật của Châu Á, Châu Âu,…
Năm là, xây dựng Luật với các cơ chế, chính sách ưu đãi, quy trình, thủ tục thuận lợi nhất cho ngành công nghiệp công nghệ số, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số khởi nghiệp đổi mới sáng tạo số, thúc đẩy “Make in Viet Nam” nhưng vẫn bảo đảm không làm thay đổi trách nhiệm, không chồng lấn chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành theo lĩnh vực được phân công.
Cần có chính sách rõ ràng, khả thi, đủ mạnh
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số cơ bản đã thể chế hóa và phù hợp với đường lối, chủ trương, của Đảng và chính sách của Nhà nước; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp trong hệ thống pháp luật, tương thích với với điều ước quốc tế có liên quan. Tuy nhiên, thời hạn gửi hồ sơ dự án Luật còn chậm, chưa bảo đảm theo quy định.
|
|
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra (ảnh: VPQH cung cấp). |
Về phạm vi điều chỉnh, nhiều ý kiến tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Tuy nhiên, một số ý kiến còn băn khoăn về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật có thể trùng lắp, giao thoa với một số Luật liên quan như Luật CNTT, Luật Công nghệ cao, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Giao dịch điện tử… Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc không loại bỏ hoàn toàn các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, hoạt động cơ yếu ra khỏi phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật trừ khi có luật khác điều chỉnh các lĩnh vực này.
Về chính sách phát triển CNCNS, Ủy ban đề nghị nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh, cụ thể hóa trong Luật một số chính sách như hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; ưu đãi về đất đai, thuế, tài chính, đầu tư; sử dụng sản phẩm, dịch vụ CNCNS nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp chủ động triển khai kinh doanh ngành nghề mới, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp khởi nghiệp, liên kết phát triển hệ sinh thái.
|
|
Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp). |
Về tài sản số, Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, việc quy định về tài sản số trong Luật CNCNS là cần thiết. Tuy nhiên, quản lý tài sản số là một vấn đề mới, phức tạp nên cần cân nhắc kỹ lưỡng, trong đó cần nghiên cứu, làm rõ một số nội dung về phân loại tài sản số và xây dựng các quy định quản lý tương ứng; về quyền sở hữu, thừa kế và sử dụng; biện pháp bảo mật, giao dịch tài sản số, xử lý khiếu nại của người dùng, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; phù hợp với thông lệ quốc tế, thuận lợi cho các giao dịch; bảo đảm quản lý chặt chẽ, chống rửa tiền và minh bạch hóa thị trường.
Về nhân lực công nghệ số, Ủy ban KH,CN&MT cơ bản tán thành và đề nghị làm rõ nội hàm, bổ sung một số quy định về phát triển nguồn nhân lực công nghệ số, phát triển cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ số, thu hút nhân lực công nghệ số chất lượng cao, khung năng lực công nghệ số.
Về nguồn tài chính cho phát triển CNCNS, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chính sách tài chính đồng bộ và mạnh mẽ hơn để phát triển CNCNS, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh; thúc đẩy để các sản phẩm CNCNS của các doanh nghiệp Việt được đưa vào khai thác, sử dụng tại thị trường trong nước, tiến tới hoàn thiện sản phẩm và xuất khẩu…