leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội ngày 1/6.

Toàn quốc có 4.335 trẻ em mồ côi do COVID-19

Nêu ý kiến tại hội trường, Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương bày tỏ quan tâm đến công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Trong đại dịch COVID-19, trẻ em đã được hỗ trợ bằng nhiều chính sách cụ thể nhưng cũng còn một số vấn đề nổi lên rất đáng quan tâm, đặc biệt về công tác chăm sóc trẻ mồ côi không nơi nương tựa sau đại dịch.

Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổng hợp từ các tỉnh, thành phố, đến ngày 15/2/2022, toàn quốc có 4.335 trẻ em mồ côi do COVID-19, trong đó có nhiểu trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, các cháu đều đang sống cùng gia đình hoặc người thân.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.

Đại biểu cho biết, mặc dù các chính sách hỗ trợ khẩn cấp cho các cháu đã được ban hành và đang được thực hiện cùng với các chính sách bảo trợ xã hội thường xuyên khác, tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa có số liệu báo cáo chính thức về việc các địa phương đã thống kê đầy đủ số lượng, hoàn cảnh của các cháu và đã thực hiện các chính sách hỗ trợ đến tận tay các cháu hay chưa?

Đại biểu đề nghị Chính phủ và các địa phương cần xác định chăm sóc trẻ mồ côi, trẻ không nơi nương tựa là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần được ưu tiên hàng đầu trong công tác bảo đảm an sinh xã hội, ổn định tình hình đất nước sau đại dịch. Đại biểu cho rằng, chúng ta cần phải có chính sách, giải pháp lâu dài hỗ trợ cho các cháu về vật chất và quan trọng hơn là tư vấn tâm lý để động viên các cháu vượt qua khó khăn, khủng hoảng, tiếp tục học tập, phấn đấu trong điều kiện tốt nhất.

Cần quan tâm đến người dân trong lĩnh vực bảo hiểm y tế

Phát biểu tại hội trường, Đại biểu Lâm Văn Đoan – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho biết, những tháng đầu năm 2022 nền kinh tế cơ bản phục hồi và có khởi sắc. Tuy nhiên, bên cạnh có ý nghĩa tích cực, quan trọng, nhiều ý kiến thảo luận, bày tỏ quan ngại về tiến độ và hiệu quả giải ngân của chương trình phát triển kinh tế - xã hội như các chương trình mục tiêu quốc gia, trong việc kịp thời thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Lâm Văn Đoan – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng.

Quan tâm về một số nội dung cụ thể liên quan đến kinh tế- xã hội, đại biểu cho biết tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế giảm. Nguyên nhân chính là do giảm số người được ngân sách nhà nước hỗ trợ mua bảo hiểm. Nhiều đối tượng trước đây thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế nay không được tiếp tục chọn, trong khi đời sống của người dân còn nhiều khó khăn nên việc trích một khoản tiền để mua thẻ cũng là lựa chọn không dễ dàng đối với nhiều gia đình.

Do vậy, đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành cần quan tâm đến người dân trong lĩnh vực bảo hiểm y tế; cần phải có lộ trình để đảm bảo người dân, nhất là các nhóm xã hội yếu thế có thể thích ứng với thay đổi, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân sau này.

Nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Đại biểu K’Nhiễu – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho biết, theo Báo cáo giải trình của Chính phủ, việc triển khai thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia, trong đó có Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng Đồng bào dân tộc số và miền núi chậm do nhiều nguyên nhân, lý do khác nhau.... đã dẫn đến không bảo đảm tiến độ đề ra, làm ảnh hưởng đến hiệu quả nguồn lực trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, trong khi đối tượng thụ hưởng của nguồn này là người dân tộc thiểu số, người yếu thế trong xã hội đang gặp nhiều khó khăn cần hỗ trợ kịp thời.

leftcenterrightdel
 Đại biểu K’Nhiễu – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng.

Từ thực trạng nêu trên, đại biểu K’Nhiễu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan một số vấn đề:

Thứ nhất: Các Bộ, ngành liên quan, địa phương phải có quyết tâm chính trị cao nhất để tập trung nguồn lực, công sức, trí tuệ để triển khai tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình, phấn đấu giải ngân 100% vốn kế hoạch được giao. 

Thứ hai: Cần tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân chung sức tham gia thực hiện Chương trình kịp thời tuyên dương, khen thưởng những điển hình tiên tiến, những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, phổ biến, giới thiệu mô hình tốt. Đặc biệt, việc ứng dụng, chuyển giao mô hình khoa học công nghệ để ưu điểm trên địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ ba: Cần phát huy sự chủ động, sáng tạo và ý chí tự cường, khát vọng vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số nhằm khơi dậy và đánh thức sức mạnh nội tâm để thực sự hiệu quả, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng được nâng cao...

Vũ Cảnh