leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 21/5 (ảnh: VPQH cung cấp).

Cần sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông

Góp ý vào dự án Luật Đường bộ, đại biểu Lê Minh Nam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang cho biết, qua xem xét nội dung đang được rà soát, chỉnh lý tại Điều 6 về cơ sở dữ liệu đường bộ theo hướng chỉ quy định về dữ liệu quản lý hoạt động đường bộ đã được triển khai xây dựng trên thực tế, đại biểu bày tỏ một số băn khoăn để Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra nghiên cứu thêm về quản lý, sử dụng tài sản công là công trình đường bộ, hạ tầng đường bộ. 

leftcenterrightdel
 Đại biểu Lê Minh Nam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang phát biểu (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu Lê Minh Nam cho rằng, theo Luật Quản lý sử dụng tài sản công, các tài sản công là công trình đường bộ, hạ tầng đường bộ phải được Nhà nước giao quyền quản lý, quyền sử dụng và các hình thức giao quyền khác cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật. Các tài sản này phải được quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa phải được thống kê, kế toán đầy đủ về hiện vật, giá trị, phải được kiểm kê, đánh giá lại để theo dõi, quản lý báo cáo cũng như đầu tư khai thác và bảo vệ, đảm bảo nguồn lực và tài chính để sử dụng. Riêng đối với công trình đường bộ, hạ tầng đường bộ được đầu tư thông qua huy động các nguồn lực xã hội khác cũng phải được theo dõi, quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu cơ bản về các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Như vậy, đại biểu nhận thấy, việc xác lập cơ sở dữ liệu đường bộ hết sức rõ ràng, cụ thể và phân định trách nhiệm theo dõi, quản lý tổng thể, cụ thể và đầy đủ cả về hiện vật, giá trị, cả về đối tượng và nguồn lực sử dụng, cả về hiện trạng và quá trình quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, đại biểu Lê Minh Nam cho rằng, trong năm qua, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công nên hiện nay theo dõi chưa đầy đủ, cập nhật chưa kịp thời…

Do đó, đại biểu Lê Minh Năm đề nghị cần sửa đổi, bổ sung về hình thức xử lý, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện cho phù hợp với đặc thù tài sản và thực tế hiện nay.

Cân nhắc sử dụng phí giao thông nội đô

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Phương Thủy - Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội góp ý vào 2 nội dung. Thứ nhất, tại khoản 2 Điều 12 quy định về tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị so với đất xây dựng đô thị: Tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị so với đất xây dựng đô thị, nhưng không bao gồm phần công trình đường bộ đi ngầm dưới mặt đất, xây dựng trên sông, hồ, phải bảo đảm quy định sau đây: Đô thị loại đặc biệt: 18% đến 26%; Đô thị loại I: 16 % đến 24%; Đô thị loại II: 15% đến 22%; Đô thị loại III: 13% đến 19%; Đô thị loại IV: 12% đến 17%; Đô thị loại V: 11% đến 16%...

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Phương Thủy - Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội phát biểu (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu Nguyễn Thị Phương Thủy cho rằng quy định như vậy là quá chi tiết và có nội dung chưa phù hợp với thực tế của nhiều địa phương trong thời điểm hiện nay cũng như trong tương lai. Do đó, đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật không nên quy định quá chi tiết tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị so với đất xây dựng đô thị.

Thứ hai về các loại phí liên quan đến sử dụng đường bộ, đại biểu Nguyễn Phương Thủy đề nghị cân nhắc sử dụng phí giao thông nội đô áp dụng với ô tô cá nhân đi vào một số khu vực đô thị trong những khung giờ nhất định để hạn chế sử dụng quá mức phương tiện ô tô cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị, đồng thời bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước để tăng cường phát triển kết cấu, hạ tầng giao thông đường bộ và hệ thống giao thông công cộng…

Quy hoạch hệ thống Quốc lộ là quy hoạch ngành quốc gia

Quan tâm đến nội dung về quy hoạch mạng lưới đường bộ, đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, dự thảo Luật đang quy định quy hoạch mạng lưới đường bộ là quy hoạch ngành quốc gia, xác định phương hướng phát triển, tổ chức không gian hệ thống Quốc lộ làm cơ sở để định hướng lập quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ, phát triển mạng lưới đường bộ. 

leftcenterrightdel
 Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu (ảnh: VPQH cung cấp).

Theo đại biểu Trần Văn Tiến, quy định như vậy là chưa chính xác, cần chỉnh sửa lại theo hướng quy hoạch hệ thống Quốc lộ là quy hoạch ngành quốc gia, xác định phương hướng phát triển, tổ chức không gian hệ thống Quốc lộ làm cơ sở để định hướng lập quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ, phát triển mạng lưới đường bộ.

Đại biểu Tiến cũng cho biết, hiện dự thảo Luật đang quy định Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập quy hoạch “mạng lưới đường bộ” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên tại điểm a, khoản 2 Điều 30 về kết nối giao thông đường bộ quy định: Kết nối các hệ thống đường bộ, các tuyến đường bộ với nhau tạo thành mạng lưới đường bộ. Theo đại biểu, quy định như vậy thì mạng lưới đường bộ sẽ bao gồm tất cả các hệ thống đường bộ đều do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là không phù hợp.

Bên cạnh đó, đại biểu Tiến cho biết, dự thảo Luật còn quy định thời kỳ quy hoạch mạng lưới đường bộ là 10 năm, tầm nhìn từ 30 năm đến 50 năm. Thời kỳ quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ là 10 năm, tầm nhìn từ 20 năm đến 30 năm. Đại biểu cho rằng, quy định như vậy chưa chính xác, vì thời điểm quy hoạch mạng lưới đường bộ và thời điểm quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ không trùng nhau thì sẽ lệch pha nhau và chỉ đúng khi thời điểm quy hoạch trùng nhau. Theo đại biểu, quy định này nên chỉnh sửa lại theo hướng thời kỳ quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ phù hợp với thời kỳ quy hoạch mạng lưới đường bộ.

Cần quy định rõ về giới hạn hành lang an toàn giao thông đường bộ

Phát biểu thảo luận, đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ cho biết, qua rà soát nhận thấy dự thảo Luật chưa quy định rõ về giới hạn hành lang an toàn giao thông đường bộ, chi phí quản lý, sử dụng, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng, kết cấu ngầm… Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung quy định về huy động nguồn lực xã hội trong xây dựng kết cấu hạ tầng, thu phí qua đầu thương tiện, hình thức kinh doanh vận tải…

leftcenterrightdel
 Đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ phát biểu (ảnh: VPQH cung cấp).

Về chính sách phát triển đổi với hoạt động đường bộ, đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về việc khuyến khích, ưu tiên phát triển, sử dụng phương tiện vận tải sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

Về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị đối với quy định “kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không có giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật” sửa “kinh doanh vận tải bằng xe ô tô” thành “kinh doanh vận tải bằng các phương tiện vận tải” để bảo đảm tính bao quát, đầy đủ. Đồng thời đề nghị bổ sung hành vi lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, trách nhiệm quản lý hành lang an toàn đường bộ.

Ngoài ra đại biểu Đào Chí Nghĩa cũng lưu ý đến việc rà soát bố cục của các điều luật, bảo đảm cho nội dung điều luật đồng bộ với tên gọi của điều luật. Đối với những quy định về giải thích từ ngữ đang dàn trải tại các điều khoản đề nghị quy định tập trung tại Điều 2 dự thảo Luật quy định về giải thích từ ngữ…

Diên Hồng