Thực hiện Chương trình Phiên họp thứ 40, chiều ngày 17/12, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương xây dựng chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn đến 2035.
|
|
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành Phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. |
Báo cáo thẩm tra về Dự thảo Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ: Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với tinh thần phát triển hệ thống tổ chức bộ máy trong giai đoạn tới theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, chất lượng và tăng cường phân cấp cho các đơn vị trực thuộc đã nêu trong Dự thảo Chiến lược. Tuy nhiên, KTNN cần xác định rõ các nhiệm vụ sẽ phân cấp và phải bảo đảm việc phân cấp phù hợp với hệ thống pháp luật, đặc biệt là Luật KTNN.
Ủy ban Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản thống nhất với chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong Dự thảo Chiến lược. Tuy nhiên, việc KTNN đề xuất tăng biên chế lên 2.600 - 2.700 người cần phải cân nhắc do “Đề án số lượng biên chế tối thiểu, số lượng cấp phó tối đa của Kiểm toán nhà nước”, “Đề án tổ chức, biên chế của KTNN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Đề án vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức của Kiểm toán Nhà nước” chưa có ý kiến của cấp có thẩm quyền. Đồng thời, chiến lược về phát triển hệ thống tổ chức bộ máy chưa rõ do chưa có ý kiến của cấp có thẩm quyền về việc nâng cấp Ban Tài chính thành Vụ Tài chính, Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán thành Học viện Kiểm toán.
Vì vậy, Chiến lược chỉ nên đưa ra định hướng chung "về biên chế của KTNN do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sau khi có ý kiến của cấp có thẩm quyền phù hợp với từng thời kỳ". Bên cạnh đó cần giải trình rõ hơn căn cứ đề xuất số biên chế tăng thêm để bảo đảm tuyển dụng và đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhiệm vụ đặt ra cho KTNN trong thời gian tới.
|
|
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp. |
Góp ý về chủ trương xây dựng chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn đến 2035, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, cần có chiến lược phát triển KTNN để phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế-xã hội cũng như hoạt động kiểm soát quyền lực. Để làm được nhiệm vụ này thì trước tiên cơ quan kiểm toán cần xác định nhiệm vụ trong 10 năm tới
Kiểm toán phải hoạt động độc lập và tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Hoạt động của cơ quan KTNN phải không ngừng nâng cao chất lượng.
Đồng ý với quan điểm trên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, Việt Nam gia nhập kiểm toán quốc tế nên chiến lược phát triển KTNN phải là công cụ kiểm soát quyền lực của Quốc hội. Do vậy, cần có chiến lược trong vòng 10 năm.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng cần nêu rõ mục tiêu, nhiệm vụ của KTTT góp phần nâng cao năng lực quản lý, quản trị của Nhà nước sao cho có hiệu quả, nghiên cứu những vấn đề vĩ mô của đất nước. Chức năng, nhiệm vụ liên quan đến tài chính, kiểm soát tài sản công. KTNN phải hướng tới hội nhập quốc tế, tầm nhìn về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, xây dựng kho dữ liệu. Ngoài ra, KTNN cần phải nguồn nhân lực năng lực chất lượng cao, phẩm chất đạo đức và ứng dụng tốt công nghệ thông tin. Biên chế của ngành kiểm toán phải giảm xuống. Cần xác định vị trí việc làm nên cán bộ quản lý, thực hiện nhiệm vụ phải khác nhau.
|
|
Toàn cảnh Phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. |
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nêu quan điểm, chiến lược phát triển KTNN là phải đưa ra được tầm nhìn, nâng cao hoạt động đối ngoại và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Hoạt động KTNN là phải có mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ rõ ràng và muốn đánh giá đúng thì phải đưa ra giải pháp cụ thể. Theo đó, điểm nhấn khi đề cập chức năng nhiệm vụ của kiểm toán là phải để phục vụ và để phát triển kinh tế-xã hội. Phát triển KTNN là để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước
Đề cập nguồn nhân lực của KTNN, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu quan điểm: Các cơ quan, đơn vị đang thực hiện tinh giản biên chế thì KTNN cũng nên thực hiện tốt việc làm này. Tuy nhiên, khi thực hiện tinh giản phải sao cho có hiệu quả, khách quan. Tinh giản biên chế phải song hành với xem xét trả lương theo vị trí việc làm.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, về cơ bản, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với chủ trương xây dựng chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn đến 2035. Tuy nhiên, KTNN cần làm rõ hơn những việc đã làm trong 10 năm 2010-2020 để chỉ rõ những hoạt động đã làm được và những nhiệm vụ cần triển khai trong thời gian tới.
KTNN cần tiếp thu tất cả những ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện bố cục, rõ ràng về mục tiêu và nội dung cụ thể của chiến lược. KTNN cần tiếp tục tinh thần của Dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đối chiếu với các chiến lược, nghị quyết, chủ trương của Đảng liên quan đến sắp xếp bộ máy tổ chức để hoàn chỉnh đầy đủ, chặt chẽ cho chiến lược phát triển KTNN tốt hơn./.