leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội ngày 7/5.

Có biện pháp hỗ trợ người lao động gặp rủi ro khi vay vốn để đi làm việc ở nước ngoài 

Phát biểu thảo luận, đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng, chính sách vay vốn hỗ trợ tạo việc làm và đi làm việc ở nước ngoài là công cụ quan trọng trong xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy di cư lao động có tổ chức. Tuy nhiên, các điều khoản hiện tại mới chỉ dừng ở phần điều kiện vay, chưa đủ chặt chẽ ở khâu giám sát sử dụng vốn và xử lý rủi ro.

Qua nghiên cứu, đại biểu cũng nhận thấy, dự thảo Luật đang không quy định rõ về cơ chế hậu kiểm sau khi cấp vốn. Điều này tạo khoảng trống pháp lý, dễ dẫn đến việc vốn vay bị sử dụng sai mục đích, không tạo ra việc làm thực chất, hoặc “nợ xấu” kéo dài.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Thạch Phước Bình phát biểu thảo luận.

Do đó, đại biểu đề xuất bổ sung: “Người vay vốn có trách nhiệm báo cáo định kỳ 6 tháng/lần về tình hình sử dụng vốn và kết quả tạo việc làm cho cơ quan quản lý địa phương hoặc Ngân hàng Chính sách xã hội. Trường hợp không sử dụng vốn đúng mục đích hoặc có dấu hiệu gian lận, tổ chức cho vay có quyền tạm dừng giải ngân, thu hồi vốn sớm hoặc xử lý theo quy định của pháp luật”.

Mặt khác, theo đại biểu, nên quy định cụ thể vai trò giám sát của UBND cấp xã/phường, kết hợp ứng dụng nền tảng công nghệ số để cập nhật tiến độ thực hiện phương án sử dụng vốn.

Cũng theo đại biểu Thạch Phước Bình, biện pháp hỗ trợ người lao động gặp rủi ro khi làm việc ở nước ngoài cũng cần được quan tâm, bởi khoản vay để đi làm việc ở nước ngoài rất rủi ro. Do đó, đại biểu đề xuất bổ sung quy định: “Trường hợp người lao động không hoàn thành hợp đồng do nguyên nhân khách quan (thiên tai, dịch bệnh, đơn phương chấm dứt từ phía đối tác nước ngoài…), người lao động sẽ được xem xét giãn nợ, cơ cấu lại thời gian trả nợ, hoặc được hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ việc làm. Chính phủ giao Bộ Nội vụ phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng Quỹ bảo lãnh rủi ro dành cho người lao động vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”.

Cần mở rộng đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế được tiếp cận vốn vay

Nêu dẫn chứng từ thực tế, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương nhấn mạnh, quy định thiếu chi tiết về đối tượng thụ hưởng đã và đang gây ra nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, đặc biệt là đối với những nhóm lao động có đặc thù khác biệt so với lao động truyền thống như: Lao động tự do không có quan hệ lao động chính thức (không ký hợp đồng lao động), lao động hoạt động trong khu vực phi chính thức (buôn bán nhỏ lẻ, lao động gia đình không trả lương, thợ thủ công cá thể,...) và nhóm lao động trên các nền tảng số, nền tảng trực tuyến (như tài xế công nghệ, giao hàng công nghệ, người làm việc tự do online).

Do đó, đại biểu đề nghị cần làm rõ, quy định cụ thể và chi tiết hơn đối tượng là người lao động được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm tại điểm b khoản 1 Điều 9 dự thảo Luật.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân phát biểu thảo luận.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cũng đề nghị xem xét bổ sung thêm vào khoản 1 Điều 9 dự thảo Luật đối tượng được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm là: “người đã chấp hành xong án phạt tù, người đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, người đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”. Theo đại biểu, những đối tượng này cũng rất cần được quan tâm, hỗ trợ để họ có thêm cơ hội tự tạo việc làm cho bản thân, sớm tái hòa nhập cộng đồng, góp phần giảm nguy cơ tái vi phạm.

Quan tâm đến khoản 2 Điều 9 quy định đối tượng được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm với mức lãi suất thấp hơn, đại biểu Bế Minh Đức - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng đề nghị, cơ quan soạn thảo xem xét quy định số lượng cụ thể cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ tối thiểu bao nhiêu lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số… thì được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm với mức lãi suất thấp hơn hoặc quy định giao cho Chính phủ quy định chi tiết Điều này tại điểm a khoản 2 Điều 9 dự thảo Luật.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Bế Minh Đức phát biểu thảo luận.

Đồng thời, qua thực tiễn thực hiện quy định của Luật Người khuyết tật và để bảo đảm mở rộng đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế được tiếp cận vốn và mở ra cơ hội việc làm, đại biểu Bế Minh Đức đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm vào điểm d khoản 2 Điều 9 dự thảo Luật, đối tượng là: “người lao động trong hộ gia đình đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật nặng; người lao động nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật nặng”…

Minh Khôi