leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 3/6 (ảnh: VPQH cung cấp).

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo tóm tắt về báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943, văn kiện đầu tiên của Đảng về văn hóa đã xác định Văn hóa là một trong ba mặt trận, cùng với Kinh tế, Chính trị.

Trong những năm qua, dù đã được quan tâm, nhưng việc đầu tư phát triển văn hóa chưa tương xứng với phát triển kinh tế, nguồn lực đầu tư cho văn hóa còn hạn chế, chưa đạt mục tiêu đề ra. Văn kiện Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XIII, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hoá toàn quốc năm 2021 cũng khẳng định rất rõ nội dung này.

Vì vậy, theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, việc đầu tư xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035 là rất cần thiết...

7 mục tiêu tổng quát của Chương trình

Theo đó, Chương trình có 7 mục tiêu tổng quát, gồm: Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam;  Nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa của nhân dân; Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc; Tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả cho phát triển văn hóa; Xây dựng đội ngũ văn nghệ sỹ, chuyên gia đầu ngành, lực lượng người lao động chuyên nghiệp, chất lượng cao; Phát huy tính đại chúng, tính khoa học, tính dân tộc của văn hóa thông qua đổi mới sáng tạo; Nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế thông qua phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày báo cáo (ảnh: VPQH cung cấp).

Cùng với đó, Chương trình có 9 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2030, 9 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2035 có mối quan hệ mật thiết với nhau.

Về nội dung thành phần Chương trình: Chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết theo đúng nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa năm 2021 về 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp để phát triển văn hóa trong thời gian tới.

Về 10 nội dung thành phần: Phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả; Nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; Thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật; Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực văn hóa; Phát triển nguồn nhân lực văn hóa; Hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới; Tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình, nâng cao năng lực thực hiện Chương trình, truyền thông, tuyên truyền về Chương trình.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Về nguồn vốn: Tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 là 122.250 tỉ đồng, gồm:

+ Vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 được bố trí tối thiểu khoảng 77.000 tỉ đồng (chiếm 63%), bao gồm: Vốn đầu tư phát triển: 50.000 tỉ đồng; Vốn sự nghiệp: 27.000 tỉ đồng.

+ Vốn ngân sách địa phương: khoảng 30.250 tỉ đồng (chiếm 24,6%); Trong đó: Vốn đầu tư phát triển: 18.000 tỉ đồng; Vốn sự nghiệp: 12.250 tỉ đồng.

+ Vốn huy động hợp pháp khác: dự kiến khoảng 15.000 tỉ đồng (chiếm 12,4%).

Về thời gian thực hiện Chương trình: Trên cơ sở đánh giá tổng kết việc thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai, để đảm bảo tiến độ của các nội dung công việc ngay sau khi Chương trình được phê duyệt, Chính phủ kính đề nghị Quốc hội cho phép Chương trình thực hiện thời gian là 2025-2035, cụ thể:

- Năm 2025 tập trung thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản, tài liệu hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý Chương trình, chuẩn bị đầu tư các nhiệm vụ và các nội dung quản lý khác.

- Kỳ trung hạn 2026 - 2030: Tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua;

- Giai đoạn thứ 2 theo kỳ trung hạn 2031 - 2035: Tiếp tục phát triển văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của nền kinh tế Việt Nam.

Đề nghị làm rõ thêm nhiều nội dung

Trình bày báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban tán thành với sự cần thiết đầu tư Chương trình như Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình của Chính phủ…

leftcenterrightdel
 Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo thẩm tra (ảnh: VPQH cung cấp).

Về sự trùng lặp giữa Chương trình với các chương trình, dự án khác: Ủy ban nhận thấy, trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai đều có nội dung đầu tư về phát triển văn hóa. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Chương trình liên quan đến phát triển văn hóa có nội dung trùng lặp về mục tiêu, đối tượng thụ hưởng, nguồn vốn thực hiện.

Để xử lý việc trùng lặp, Chính phủ kiến nghị chuyển Dự án số 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào Chương trình; các chương trình, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng chưa được bố trí kinh phí hoặc chưa có kế hoạch triển khai trong giai đoạn 2026-2030 sẽ được thực hiện thống nhất trong Chương trình.

Về vấn đề này, có hai loại ý kiến khác nhau. Đa số thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhất trí với loại ý kiến thứ nhất, đề nghị giữ nguyên các mục tiêu, dự án có liên quan đến lĩnh vực văn hóa thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia đã được phê duyệt và đang thực hiện, không tích hợp vào Chương trình này.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Về dự kiến nguồn lực thực hiện Chương trình:

Thứ nhất, về tổng mức đầu tư: Ủy ban cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ về tổng mức đầu tư và cho rằng việc Chính phủ thống nhất đề xuất bố trí nguồn lực lớn để thực hiện Chương trình đã cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa.

Có ý kiến cho rằng tổng số vốn dự kiến dành cho Chương trình là khá lớn, cao hơn so với các Chương trình mục tiêu quốc gia đã và đang thực hiện. Đề nghị Chính phủ làm rõ căn cứ để xác định tổng mức vốn của Chương trình.

Thứ hai, về nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương: Ủy ban cơ bản nhất trí mức bố trí vốn ngân sách trung ương cho Chương trình; Hội đồng thẩm định quốc gia xác nhận đây là mức có thể chấp nhận được, nằm trong khả năng cân đối của ngân sách nhà nước.

 Đối với nguồn vốn đầu tư phát triển, theo quy định của Luật Đầu tư công, do chưa đến thời điểm để dự toán nguồn lực cho Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 nên chưa có cơ sở để thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho Chương trình. Ủy ban đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ lưỡng căn cứ đề xuất tổng mức vốn đầu tư phát triển thực hiện Chương trình, căn cứ phân bổ vốn hằng năm, tính toán kỹ lưỡng về khả năng thực hiện, giải ngân Chương trình để bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

Đối với nguồn vốn sự nghiệp từ ngân sách Trung ương, Ủy ban cơ bản nhất trí và đề nghị Chính phủ cân đối nguồn lực, bố trí đầy đủ trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm để bảo đảm thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình.

leftcenterrightdel
  Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Thứ ba, về ngân sách địa phương: Nhiều ý kiến cho rằng tỉ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương chiếm 24,6% là cao, khó thực hiện, nhất là đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Ủy ban đề nghị làm rõ hơn căn cứ xác định tỉ lệ vốn ngân sách trung ương và vốn ngân sách địa phương; làm rõ hơn cơ sở xác định cơ cấu vốn đối ứng từ ngân sách địa phương; đánh giá sát hơn khả năng huy động nguồn vốn ngân sách địa phương và tính toán đề xuất mức bố trí ngân vốn sách địa phương phù hợp hơn với tình hình thực tiễn.

Thứ tư, đối với nguồn huy động hợp pháp khác: Ủy ban đề nghị làm rõ căn cứ và tính khả thi của việc xác định tổng nguồn vốn huy động hợp pháp thực hiện Chương trình; xác định rõ các nhiệm vụ, dự án có khả năng sử dụng nguồn lực xã hội hóa, đồng thời, nghiên cứu quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước đối với khu vực tư nhân, giảm áp lực cho ngân sách nhà nước.

Thứ năm, về dự kiến phân bổ vốn đầu tư phát triển: Tờ trình của Chính phủ và các tài liệu kèm theo chưa thuyết minh cụ thể về dự kiến phân bổ vốn. Phụ lục số 09 về dự kiến nguồn ngân sách trung ương đầu tư phát triển giai đoạn 2026 - 2030 chỉ dự kiến phân bổ số vốn 50.000 tỉ đồng cho 5 nội dung, chưa rõ số lượng, mức đầu tư, danh mục dự án dự kiến sử dụng vốn đầu tư phát triển từ Chương trình. Do đó, chưa có đủ cơ sở để đánh giá về sự phù hợp, tính khả thi của đề xuất...

Diên Hồng