leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 24/11.

Cần rà soát thêm để tránh trùng lặp quy định giữa các luật

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho rằng, việc xây dựng tách biệt dự thảo Luật Đường bộ và dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ cũng sẽ khá khó khăn, nhất là các nội dung liên quan cùng có quy định tại 2 dự thảo Luật.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Hải Dũng phát biểu.

“Có rất nhiều vấn đề cần phải phân định và cân nhắc để quyết định quy định ở một luật hay cả 2 luật. Ví dụ như vấn đề về xe đưa đón học sinh, một người là lái xe, một người là quản lý học sinh. Tại dự thảo Luật Đường bộ đang quy định lái xe cần phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm vận tải hành khách. Tuy nhiên tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ thì chỉ có quy định đối với người quản lý…” - đại biểu Nguyễn Hải Dũng phân tích. 

Đại biểu Dũng cho rằng, việc triển khai trong thực tiễn sẽ rất phiền phức, khó khăn. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, rà soát đối với các nội dung như vậy có thể dồn vào quy định tại một luật.

Cần đề cập rõ đến loại hình kinh doanh vận tải bằng xe công nghệ

Phát biểu thảo luận, đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho biết, về kinh doanh vận tải bằng ô tô, dự thảo luật nêu rõ, kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Thạch Phước Bình phát biểu.

Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là loại hình kinh doanh có điều kiện bao gồm kinh doanh vận tải có hành khách và kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô trong nước, quốc tế. Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô bao gồm kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. 

Tương ứng với các loại hình kinh doanh vận tải hành khách, dự thảo mô tả cụ thể từng hoạt động kinh doanh, đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Như vậy, dự thảo luật vẫn chưa đề cập rõ ràng đến loại hình kinh doanh vận tải bằng xe công nghệ, đây được xem là loại hình kinh doanh mang tính chất đặc thù, ngoài các loại hình kinh doanh đã được quy định như trong dự thảo luật. Đại biểu đề nghị cần quy định rõ để tạo cơ sở pháp lý cho loại hình kinh doanh này ngay trong dự thảo luật. 

Dễ dẫn tới việc thu trùng với các loại phí liên quan đến đường bộ

Góp ý hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Sùng A Lềnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu và chỉnh lý phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Đường bộ cho phù hợp, bảo đảm phân biệt phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. 

leftcenterrightdel
 Đại biểu Sùng A Lềnh phát biểu.

Về tính thống nhất của với phần đất đai tại khoản 1 Điều 5 của dự thảo luật, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát lược bỏ trong dự thảo luật các nội dung có liên quan đến Luật Đất đai; phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất bổ sung các chính sách về đất đai để phát triển công trình đường bộ trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đang được trình Quốc hội cho ý kiến.

Về tính thống nhất với hệ thống quy hoạch, đại biểu Sùng A Lềnh cho biết, khoản 6 Điều 6 quy định: Quy hoạch đường tỉnh, đường huyện và đường khác thuộc hệ thống giao thông nông thôn được xác định trong quy hoạch vùng, quy hoạch cấp tỉnh và quy hoạch khác có liên quan. Tên các quy hoạch nêu tại dự thảo luật không có trong Luật Quy hoạch, do đó đề nghị điều chỉnh lại cho thống nhất.

Về trách nhiệm đầu tư xây dựng công trình đường bộ tại Điều 32, theo đó khoản 1 Điều 32 của dự thảo luật dẫn chiếu áp dụng pháp luật trong đầu tư xây dựng công trình đường bộ đến pháp luật về đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, các hình thức đầu tư khác. Tuy nhiên, chưa rõ các hình thức đầu tư khác là dẫn chiếu đến pháp luật nào. Bởi, trong hệ thống đường bộ quy định tại Điều 10 và Điều 11 Còn bao gồm cả đường chuyên dùng, đường nội bộ bên trong cơ sở sản xuất kinh doanh, trường học, bệnh viện, công trường xây dựng… Vấn đề này cần được làm rõ để đảm bảo cơ sở pháp lý trong triển khai thực hiện.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên họp.

Đại biểu Sùng A Lềnh cũng quan tâm góp ý quy định về phí sử dụng đường bộ, phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện lưu thông ở trên tuyến đường cao tốc cho nhà nước đầu tư, sở hữu quản lý khai thác tại Điều 45 và Điều 90. Đại biểu cho rằng quy định như dự thảo có thể dẫn tới việc thu trùng với các loại phí liên quan đến đường bộ…

Ưu tiên sử dụng đất để đầu tư xây dựng điểm dừng, đỗ, trông, giữ phương tiện

Góp ý về Luật Đường bộ, đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho biết, với xu thể phát triển công trình ngầm trong phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng và rút kinh nghiệm một số nước trên thế giới, đề nghị bổ sung quy định đối với công trình ngầm gắn với công trình thương mại, dịch vụ theo mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng. Đây là hình thái phát triển đô thị lấy phát triển giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị....

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Tạo phát biểu.

Khoản 1 Điều 5 quy định, ưu tiên sử dụng đất để đầu tư xây dựng điểm dừng, đỗ, trông, giữ phương tiện giao thông thân thiện với môi trường và trạm sạc cho phương tiện đường bộ sử dụng động cơ điện. Đại biểu nhận thấy, đây là một trong những hoạt động đường bộ mang tính tích cực và sẽ được triển khai trong thời gian tới. Như vậy, việc ưu tiên sử dụng đất để đầu tư xây dựng điểm dừng, đỗ, trông giữ phương tiện giao thông thân thiện với môi trường mà chưa gắn với hệ thống giao thông thông minh. 

Do đó, đại biểu cho rằng cần chỉnh sửa lại chính sách này để bảo đảm phát triển giao thông thông minh, bao trùm toàn bộ hoạt động đường bộ được quy định tại khoản 2 Điều 5.

Minh Khôi