Đó là thông tin của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - ông Huỳnh Đức Thơ đưa ra để trả lời ý kiến của cử tri về việc Công ty Cổ phần Thép Dana Ý kiện chính quyền, đòi bồi thường gần 400 tỉ đồng, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Thanh Khê, chiều ngày 11/6.
Tại cuộc tiếp xúc, cử tri Nguyễn Quang Nga cùng nhiều cử tri khác đã đề cập đến việc vừa qua Công ty CP Thép Dana Ý đã đưa đơn khởi kiện UBND TP và Chủ tịch UBND TP ra TAND TP Đà Nẵng để giải quyết vụ đòi bồi thường 400 tỉ đồng do các công văn, quyết định buộc dừng sản xuất gây thiệt hại nghiêm trọng cho công ty...
Liên quan đến việc Công ty Cổ phần Dana Ý khởi kiện lãnh đạo, chính quyền địa phương, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho hay, khoảng gần 20 năm trước Đà Nẵng kêu gọi các nhà đầu tư xây nhà máy thép ở cụm công nghiệp Thành Vinh (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng).
|
Công ty cổ phần Thép Dana Ý địa chỉ ở đường 11B, Cụm Công nghiệp Thanh Vinh, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng (ảnh: XN) |
|
Sau thời gian hoạt động, nhà máy thép của Công ty Dana - Ý bộc lộ những bất cập, gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc.
Thanh tra TP Đà Nẵng cũng đã thanh tra và có kết luận về sai phạm nhà máy thép Dana Ý nên TP Đà Nẵng ban hành các văn bản xử phạt hành chính. Trong đó, UBND TP Đà Nẵng phạt Công ty Cổ phần Dana - Ý 400 triệu đồng.
Bên cạnh đó, không chỉ nhà máy sai phạm về gây ô nhiễm mà Thanh tra thành phố đã kết luận là có sai phạm của chính quyền thời kỳ trước về vấn đề quy hoạch. Theo ông Huỳnh Đức Thơ, khu vực này không được bố trí nhà máy thép nhưng cơ quan chức năng vẫn tham mưu bố trí nhà máy thép vào.
Theo ông Huỳnh Đức Thơ, thành phố đã báo cáo ra Thường vụ và Thường vụ cũng đồng ý phương án là giải tỏa dân, đền bù tái định cư cho các hộ dân quanh khu vực.
|
|
Người dân từng bức xúc, bao vây không cho công ty hoạt động vì nhà máy thép gây ô nhiễm môi trường (ảnh:XN). |
Theo đó, nhà máy ứng tiền để đền bù giải tỏa các hộ dân nằm trong phạm vi bị ảnh hưởng vấn đề môi trường. Nhà máy cũng sẽ ứng tiền ra để lo xây dựng khu tái định cư cho dân.
Sau đó khu vực đất giải tỏa sẽ được chính quyền TP tổ chức bán đấu giá, lấy tiền trả lại cho Công ty Thép Dana Ý. Nếu không trả đủ thì Công ty phải chịu phần chênh lệch thiếu hụt đó. Nhưng quá trình giải tỏa chậm, dân gây sức ép. Sau đó Thường vụ thấy phương án đó không ổn, đổi lại là dừng hoạt động nhà máy.
Thêm nữa, qua nhiều năm, người dân tới làm nhà, số dân đông lên gấp nhiều lần, trong khi suốt ngày ô nhiễm bụi, tiếng ồn vì nằm sát tường rào nhà máy nên dân lại kiện, ngăn cản không cho sản xuất.
|
|
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cùng các đại biểu HĐND thành phố có buổi tiếp xúc cử tri quận Thanh Khê. |
Công ty Dana Ý cho rằng, chính quyền TP cấp phép cho họ đầy đủ các thủ tục chứ họ không có gì sai phạm, việc lãnh đạo thành phố ban hành các văn bản xử phạt, tạm dừng hoạt động của nhà máy chưa đúng quy định của pháp luật, gây tổn thất cho doanh nghiệp nên họ kiện ra tòa.
“Hai bên hòa giải nhiều lần để tìm cách tháo gỡ nhưng không được thì ra tòa. Ra tòa cũng là giải pháp rất văn minh và công bằng. Khi có phán quyết của tòa án thì chúng ta cứ căn cứ theo luật mà thực hiện.” – ông Huỳnh Đức Thơ nêu quan điểm.
Như Báo Bảo vệ pháp luật đã thông tin trước đó, ngày 30/1/2019, Công ty cổ phần Thép Dana Ý (đường 11B, Cụm Công nghiệp Thanh Vinh, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đã có đơn gửi đến TAND TP Đà Nẵng yêu cầu khởi kiện UBND TP Đà Nẵng, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Đồng thời, Công ty cũng cầu bồi thường là 400 tỉ đồng do UBND TP đã có quyết định buộc dừng sản xuất gây thiệt hại cho công ty.
Công ty Dana Ý cho rằng, các quyết định của chính quyền Đà Nẵng như buộc công ty ngừng hoạt động sản xuất, đã xâm phạm quyền tự do kinh doanh, gây thiệt hại nghiêm trọng đến hoạt động doanh nghiệp và gây mất việc làm của hàng ngàn người lao động.
Tổng số tiền mà Dana Ý yêu cầu được bồi thường từ những thiệt hại phải gánh chịu do các quyết định của UBND TP Đà Nẵng là gần 400 tỉ đồng.
Ngay sau đó, phía Công ty cổ phần Thép Dana - Ý đã yêu cầu tòa án tạm dừng thụ lý vụ án để hai bên thương lượng nhằm tìm giải pháp tối ưu nhất và tòa đã thực hiện theo yêu cầu. Tuy nhiên, do thời gian hòa giải theo quy định đã hết hiệu lực nên đến ngày 6/6, phía công ty đã đến nộp tạm ứng án phí để TAND TP Đà Nẵng tiếp tục thụ lý giải quyết.