Bế mạc Phiên họp thứ 8 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Cập nhật lúc 15:26, Thứ năm, 17/02/2022 (GMT+7)
Sáng 17/2, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 8 sau 2,5 ngày làm việc trách nhiệm, khẩn trương, tích cực, hiệu quả, hoàn thành chương trình đề ra, đã cho ý kiến kết luận nhiều nội dung quan trọng.
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, liên quan đến công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về hai dự án luật là Luật Cảnh sát cơ động và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Đây là hai dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai.
|
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Phiên họp. |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội đã phát biểu tại phiên thảo luận tổ và hội trường tại Kỳ họp thứ Hai; đồng thời cho rằng với các dự án luật này đã đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 3 tới. Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý cơ quan trình và cơ quan thẩm tra tiếp tục có phối hợp chặt chẽ để nâng cao chất lượng các dự án luật trước khi trình Quốc hội thông qua.
Đối với dự án Luật Cảnh sát cơ động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bảo đảm cho việc xây dựng luật này phải thể chế hóa được chủ trương của Đảng về tăng cường lực lượng cảnh sát cơ động trong phòng chống bạo loạn và khủng bố, được bố trí ở địa bàn trọng điểm với trang thiết bị phù hợp và đảm bảo công tác chỉ huy thống nhất.
|
|
Quang cảnh bế mạc Phiên họp. |
Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về hướng tiếp thu đối với các nội dung về giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, nhất là nguyên tắc bàn giao kết quả nghiên cứu và phân chia lợi ích từ việc sử dụng và thương mại hóa kết quả nghiên cứu này; vấn đề thu hẹp đối tượng phạm vi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ...
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là 2 nội dung lớn, khó, tác động đến nhiều đối tượng khác nhau. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận về các nội dung này cùng với các dự án luật khác sẽ được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) tới. Các cơ quan hữu quan khẩn trương chuẩn bị tài liệu cũng như lấy ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – đây là hai tổ chức đại diện cho lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, bảo đảm mọi quyết sách đều lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.
Cũng tại phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc bổ sung dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4.
Về dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành nghị quyết, đánh giá cao Văn phòng Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác trong việc chuẩn bị hồ sơ, tài liệu để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định đây là một vấn đề rất quan trọng nằm trong danh mục 107 đề án và các nhiệm vụ lớn để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết 161 của Quốc hội khóa XIV. Vì vậy, phải tiếp thu tối đa để hoàn thiện, có chất lượng cao nhất đối với dự thảo Nghị quyết này.
Vũ Cảnh