leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên làm việc của Quốc hội tại Hội trường sáng 27/5.

Bảo vệ quyền lợi của người lao động là ưu tiên hàng đầu

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho biết, về các nội dung liên quan đến cơ chế đặc thù tại Điều 41, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng, đây là quy trình thực hiện BHXH đồng bộ với điểm a khoản 1 Điều 54 về thứ tự phân chia tài sản tại Luật Phá sản năm 2014.

Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, bổ sung theo hướng bảo vệ quyền lợi của người lao động trong bất cứ trường hợp nào cũng được xem xét là đối tượng ưu tiên hàng đầu, phải thực hiện các thủ tục pháp lý về phá sản và xử lý vi phạm về BHXH, BHYT với doanh nghiệp.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định phát biểu thảo luận.

Về biện pháp xử lý vi phạm chậm, trốn đóng BHXH đối với doanh nghiệp được quy định tại Điều 37 đến Điều 40, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy nhận thấy, Ban soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh sửa theo hướng bảo vệ tối đa quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, có sự chưa tương thích giữa Luật Bảo hiểm y tế và dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này.

Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định rõ trách nhiệm từ các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo hiểm và trách nhiệm của doanh nghiệp để đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động vào xử lý hoặc chế tài đối với doanh nghiệp vi phạm...

Người sử dụng lao động có trách nhiệm báo cáo tình hình đóng bảo hiểm xã hội

Góp ý về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện, đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ cho rằng, phạm vi điều chỉnh hiện nay quy định tại dự thảo luật hiện rất rộng, khó quản lý đối với cơ quan chức năng. Hiện chưa có cơ sở dữ liệu về lao động nên tính khả thi chưa cao. Do đó, đề nghị nghiên cứu nội dung này rõ hơn, bảo đảm tính khả thi.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ phát biểu thảo luận.

Về trách nhiệm của người sử dụng lao động tại Điều 12, đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị bổ sung quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm báo cáo tình hình đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động hàng quý đến cơ quan có thẩm quyền để bảo đảm quyền lợi của người lao động. Đây cũng là hình thức kiểm tra, giám sát việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. 

Về trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội tại Điều 17, đại biểu Đào Chí Nghĩa cho rằng, quy định thời gian cơ quan bảo hiểm xã hội báo cáo với Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân cùng cấp về tình hình, các vấn đề liên quan đến bảo hiểm xã hội và định kỳ 5 năm đánh giá khả năng cân đối Quỹ hữu trí, tử tuất trong báo cáo tình hình quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội là quá dài và không kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh tồn tại.

Do đó, đại biểu đề nghị giảm thời gian quy định tại Điều này theo hướng: Cơ quan bảo hiểm xã hội định kỳ 3 tháng báo cáo với cơ quan quản lý, 6 tháng báo cáo với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các Bộ có liên quan; 6 tháng báo cáo với Ủy ban nhân dân cùng cấp và định kỳ 3 năm sẽ đánh giá, dự báo khả năng cân đối quỹ.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên họp.

Về biện pháp xử lý vi phạm chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị bổ sung quy định cơ quan có thẩm quyền thông báo tên, địa chỉ doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động biết trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu của các trung tâm giới thiệu, môi giới việc làm… để người lao động có đầy đủ thông tin trước khi ra quyết định làm việc. Quy định này cũng nhằm nâng cao tính cảnh báo, răn đe và thông tin minh bạch. 

Về bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu Đào Chí Nghĩa tán thành với phương án 2. Đại biểu cho rằng phương án này dù không chấm dứt tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần nhưng đảm bảo quyền lựa chọn của người tham gia bảo hiểm xã hội; giữ chân người lao động tham gia bảo hiểm xã hội lâu dài và về lâu dài người lao động sẽ được bảo đảm an sinh xã hội.

Cần tổ chức lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động của dự thảo luật

Dự thảo Luật đã mở rộng thêm một số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng lương... Qua nghiên cứu, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cho biết, quy định như trong dự thảo Luật thì chủ hộ kinh doanh và người quản lý doanh nghiệp, quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng lương sẽ phải gánh hai vai, vừa là người lao động, vừa là người sử dụng lao động và phải đóng tổng mức 25%.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh phát biểu thảo luận.

Đại biểu nêu rõ, tác động tích cực là khi mở rộng các đối tượng trên sẽ gia tăng người tham gia đóng bảo hiểm xã hội, tăng quỹ bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, đối với lợi ích của các đối tượng chịu tác động, báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ chỉ đưa ra nhận định rất định tính, không có số liệu chứng minh nhóm đối tượng này có nhu cầu tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng, cơ quan soạn thảo cần tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động bởi dự thảo Luật, đảm bảo công bằng giữa những đối tượng này với các đối tượng đóng bảo hiểm xã hội khác, không vì mục tiêu gia tăng số người nộp bảo hiểm xã hội mà bỏ qua nhu cầu, nguyện vọng của các đối tượng. Cùng với đó, cần nghiên cứu, cân nhắc thêm các đối tượng trên nên tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hay tự nguyện. 

Đối với người lao động là người làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đại biểu cho biết, thực tiễn thời gian qua, nhiều cơ quan bảo hiểm xã hội tại các địa phương phản ánh rất khó thu bảo hiểm xã hội của các đối tượng này. Đại biểu phân tích, những đối tượng này có thể xảy ra tình trạng sau thời gian 3 đến 5 năm đi lao động ở nước ngoài muốn hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, hưu trí và tử tuất phải đóng thêm 12 - 15 năm nữa nếu không muốn bị mất số tiền đã đóng.

Do đó, cần có cơ chế vận dụng linh hoạt về chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài về nước trong trường hợp thu nhập không ổn định và liên tục, bảo đảm thu đúng, thu đủ nhưng cũng đáp ứng được quyền lợi cho người lao động.

Một số khái niệm trong dự thảo luật chưa cập nhật kiến thức y khoa

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Tri Thức - Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tại Điều 47 về dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau có những từ ngữ vẫn chưa rõ ràng như: nghỉ 10 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa hồi phục, 7 ngày đối với người chưa hồi phục sau thời gian phẫu thuật… Đại biểu Nguyễn Tri Thức đánh giá quy định này vẫn còn mơ hồ, nên để cho các nhà chuyên môn có quyết định theo từng trường hợp cụ thể. 

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Tri Thức - Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu thảo luận.

Tại Điều 53, đối với việc khám thai, Đại biểu Nguyễn Tri Thức cho rằng nên chia ra thành 2 nhóm là thai bình thường và thai bệnh lý và tại Điều 54, chưa có cơ sở phân chia tuổi thai. Do vậy, đại biểu Nguyễn Tri Thức đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại 2 Điều này.

Cuối cùng tại mục 1, khoản c, Điều 74 quy định đối tượng được rút bảo hiểm xã hội một lần là người đang mắc một trong những bệnh: ung thư, bại liệt, sơ gan cổ trướng, lao nặng, AIDS... Đại biểu Nguyễn Tri Thức đề nghị bỏ khoản này vì có một số bệnh có thể điều trị được dứt điểm và người lao động có thể quay lại lao động bình thường.

Đại biểu Nguyễn Tri Thức cũng cho biết, những khái niệm trên chưa cập nhật kiến thức y khoa, nếu đưa vào Luật là không phù hợp. Do vậy, đại biểu Nguyễn Tri Thức đề nghị bỏ khoản này và đối với từng trường hợp nên xác định khả năng lao động và khả năng lao động do Hội đồng giám định y khoa xác định…

Diên Hồng