|
|
Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Ảnh minh họa |
Cụ thể, theo Chỉ thị cho biết, năm 2023, mặc dù tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và tinh thần chủ động, khẩn trương, quyết liệt, hiệu quả, cùng với sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã chuyển biến tích cực, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng khác trên các lĩnh vực, trong đó phấn đấu hoàn thành cao nhất tất cả các chỉ tiêu về xã hội, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tăng trưởng kinh tế từng bước được phục hồi, các lĩnh vực văn hóa, xã hội được triển khai tương đối đồng bộ, kịp thời, hiệu quả
Để triển khai thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 23/11/2023 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024; chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ Nhân dân đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực vào cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán; Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát, nắm chắc tình hình thị trường, chủ động chỉ đạo các địa phương có phương án chuẩn bị nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng tăng cao, bảo đảm chất lượng, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến...
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, kịp thời chỉ đạo và có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá theo thẩm quyền. Trường hợp cần thiết, kịp thời báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá những vấn đề phát sinh, gây ảnh hưởng đến mặt bằng giá và ổn định kinh tế vĩ mô...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024; chủ động các phương án phòng, chống thiên tai, nhất là rét đậm, rét hại, sương muối, mưa đá, hạn hán, xâm nhập mặn, phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản, đặc biệt là Dịch tả lợn Châu Phi, bệnh viêm da nổi cục ở bò để hạn chế thiệt hại, bảo đảm ổn định sản xuất; hỗ trợ kịp thời hạt giống cây trồng, vật nuôi, vaccine, hóa chất sát trùng, thuốc bảo vệ thực vật… theo quy định cho các địa phương bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh để nhanh chóng phục hồi sản xuất, bảo đảm vệ sinh môi trường, ổn định đời sống cho Nhân dân vui Xuân đón Tết.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, nắm tình hình đời sống của các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn (hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, công nhân, người lao động, người bị mất việc làm…) để quan tâm, chăm lo, kịp thời có chính sách hỗ trợ phù hợp. Tổ chức thăm hỏi, tặng quà đúng đối tượng, đúng chế độ, công khai, minh bạch, tránh trùng lặp, chồng chéo, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, bảo đảm tất cả các đối tượng chính sách đều có quà và được nhận quà trước Tết, không để ai không có Tết...
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi, nắm bắt tình hình lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, đặc biệt là những địa phương tập trung nhiều lao động, tạo thuận lợi cho người lao động nghỉ Tết và trở lại làm việc sau Tết; quan tâm hỗ trợ người lao động bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, kinh doanh. Thực hiện các giải pháp duy trì chuỗi cung ứng nguồn nhân lực, đáp ứng kịp thời lao động cho doanh nghiệp trước và sau Tết Nguyên đán. Tăng cường kiểm tra và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, bảo đảm công chức, viên chức, người lao động được chi trả đầy đủ lương, tiền thưởng và bố trí nghỉ Tết đúng chế độ theo quy định. Thực hiện đầy đủ chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; chủ động xây dựng các giải pháp phòng ngừa, xử lý tranh chấp lao động có thể xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán. Hỗ trợ, tạo điều kiện để bảo đảm người lao động Việt Nam ở nước ngoài được đón Tết Nguyên đán theo phong tục, truyền thống của dân tộc và phù hợp với điều kiện thực tế...
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh có nguy cơ bùng phát mùa Đông - Xuân, dịch bệnh nguy hiểm mới nổi có khả năng xâm nhập vào nước ta. Theo dõi, giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây, bùng phát lan rộng trong cộng đồng; chuẩn bị đầy đủ hóa chất, vaccine, trang thiết bị, phương tiện và nhân lực bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh, sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác điều tiết, tổ chức quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Nguyên đán, không để xảy ra tình trạng người dân chậm về quê ăn Tết do không có phương tiện vận chuyển; tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai, niêm yết giá cước vận tải, giá vé tàu, xe theo quy định; tổ chức vận chuyển hàng hóa thông suốt trước, trong và sau dịp Tết, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biển đảo...
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương bảo vệ an toàn tuyệt đối các hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, đối ngoại, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước và các lễ hội đầu năm. Chủ động nắm chắc tình hình liên quan đến an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự an toàn xã hội, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; có biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả với âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, đối tượng phản động trong - ngoài; bảo đảm an ninh thông tin, an toàn mạng quốc gia; giữ vững an ninh nội địa, bảo đảm an ninh trong công dân, giải quyết kịp thời các vụ việc khiếu kiện phức tạp, không để hình thành "điểm nóng" về an ninh, trật tự; tăng cường các biện pháp phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao bảo đảm Nhân dân được đón Tết vui tươi, đầm ấm, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc...
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương bảo đảm tuyệt đối an toàn mạng lưới, thông tin liên lạc thông suốt đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong dịp Tết. Kiểm soát tần số và kịp thời xử lý nhiễu có hại để bảo đảm an toàn cho các hệ thống thông tin vô tuyến điện. Bảo đảm hoạt động ổn định, liên tục, an toàn hạ tầng kết nối, trung chuyển Internet, các hệ thống kỹ thuật tên miền, tài nguyên Internet quốc gia. Tăng cường triển khai hoạt động bảo đảm an toàn thông tin mạng đối với các hệ thống thông tin quan trọng; theo dõi, giám sát, phát hiện xử lý sớm các nguy cơ mất an toàn thông tin mạng, dấu hiệu tấn công mạng, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh. Cử cán bộ kỹ thuật trực theo dõi, giám sát an toàn thông tin liên tục trong suốt kỳ nghỉ Tết. Tăng cường kiểm soát, ngăn chặn vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính, kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chủ động theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, đồng bộ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ưu tiên cho tăng trưởng, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, bảo đảm an toàn hệ thống...
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, giáo dục học sinh, sinh viên thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, thực hiện nghiêm các quy định về quản lý và sử dụng pháo; nâng cao kỹ năng về phòng chống tại nạn, thương tích, phòng tránh các tệ nạn xã hội, bảo đảm an toàn nhất là an toàn trên không gian mạng; chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, hướng dẫn cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm việc phân công trực và bảo vệ cơ quan, trường học dịp nghỉ Tết; có giải pháp bảo đảm kế hoạch nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng bảo đảm an toàn tuyệt đối cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng, chống cháy nổ.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào tình hình thực tiễn, quyết định việc tổ chức bắn pháo hoa chào mừng năm mới 2024 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 phù hợp với điều kiện, khả năng của địa phương, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, không sử dụng ngân sách nhà nước theo đúng quy định tại Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo. Tiếp tục thực hiện nghiêm công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo quy định, bảo đảm các hoạt động lễ hội, vui xuân, kỷ niệm ngày truyền thống, tổng kết năm, gặp mặt, hội nghị, Tết trồng cây… thiết thực, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thông văn hóa của dân tộc và phong tục tập quán của từng địa phương.
Đồng thời, tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng, các cấp chính quyền cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp nêu tại Chỉ thị này tại địa phương, quan tâm, hỗ trợ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp Nhân dân; theo dõi, nắm tình hình chi trả lương, thưởng cho người lao động của doanh nghiệp, nhất là người lao động bị mất việc làm, thiếu việc làm tạm thời để có giải pháp hỗ trợ kịp thời; theo dõi sát diễn biến tình hình giá cả, thị trường, kịp thời có các biện pháp điều hành phù hợp; kiểm tra, giám sát chặt chẽ, bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh…; tăng cường công tác quản lý thị trường, ổn định giá cả, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ; chủ động kế hoạch bảo đảm phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ Nhân dân và kiều bào ở nước ngoài về quê đón Tết; tăng cường kiểm soát, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, an ninh, an toàn xã hội; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật của người dân. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách...