leftcenterrightdel
 Toàn cảnh buổi làm việc

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh Thanh Hóa đã đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Thanh Hóa bình quân hằng năm giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 9,69%, đứng thứ 5 cả nước và đứng thứ 3 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước. Quy mô GRDP năm 2023 ước đạt 279.074 tỉ đồng, gấp 1,5 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 3.144 USD, gấp 1,42 lần năm 2020...

Phát huy kết quả đạt được trong nửa nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, nhằm tiếp tục triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị trong thời gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh phấn đấu đến năm 2025 đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước.

Để đạt được mục tiêu lớn trên, tỉnh Thanh Hóa đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan Trung ương quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ, giới thiệu, vận động các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài đầu tư vào Thanh Hóa.

Tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính sớm tham mưu thực hiện nội dung theo khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 37/2021/QH15, ngày 13/11/2021 của Quốc hội, để tỉnh Thanh Hóa được hưởng chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội. Đồng thời, chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục giao mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho nhà thầu thi công các dự án hạ tầng giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông - Vận tải, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước sớm có phương án và lộ trình đầu tư đường cất hạ cánh số 2 tại Cảng hàng không Thọ Xuân theo quy hoạch...

Trên cơ sở gợi mở của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các thành viên của Đoàn công tác Trung ương ấn tượng và đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa trong nửa nhiệm kỳ qua. Với tinh thần đồng hành cùng tỉnh Thanh Hóa, các thành viên Đoàn công tác Trung ương đã có những ý kiến đóng góp xác đáng, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương, để Thanh Hóa phát triển nhanh, bền vững.

Trước đó, mở đầu chuyến công tác tại tỉnh Thanh Hóa, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương, Văn phòng Chính phủ và lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá đã đến dâng hương viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu văn hóa tưởng niệm Bác Hồ, thành phố Thanh Hóa; tưởng nhớ công ơn to lớn của vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân ta.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác của Trung ương dâng hoa tại Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở TP. Thanh Hóa - Ảnh: VGP

Trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã thành kính dâng hoa, dâng hương bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, non sông, đất nước ta.

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khảo sát một số công trình, dự án trọng điểm tại Khu kinh tế Nghi Sơn (Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Cảng biển Nghi Sơn và Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn); thăm và làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hợp Lực tại thị xã Nghi Sơn.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng thăm và làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hợp Lực tại thị xã Nghi Sơn.

Khu kinh tế Nghi Sơn là Khu kinh tế được Thủ tướng Chính phủ thành lập năm 2006, được Chính phủ Việt Nam lựa chọn là một trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm, có chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn nhất trong cả nước và là 1 trong 4 tứ giác phát triển kinh tế của tỉnh Thanh Hóa.

Khu kinh tế Nghi Sơn được chia thành 55 phân khu, trong đó, có 25 phân khu công nghiệp, diện tích khoảng 9.057,9 ha. Trong những năm qua, được sự quan tâm, tạo điều kiện của Trung ương, tỉnh, Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp đã phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tại đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến thăm, tặng quà, động viên cán bộ, chuyên gia, kỹ sư và công nhân, người lao động đang làm việc tại Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn - công trình trọng điểm quốc gia.

Lọc hóa dầu Nghi Sơn là dự án liên doanh do 4 Tập đoàn góp vốn, gồm: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait KPI (Kuwait), Công ty Idemitsu Kosan và Công ty Hóa chất Mitsui (Nhật Bản).

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính động viên cán bộ, chuyên gia, kỹ sư tại Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Một trong những ưu tiên hàng đầu trong hoạt động của Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn là cam kết bảo đảm nguồn cung năng lượng bền vững, ổn định cho Việt Nam. Ngày 13/10 vừa qua, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn thông báo, Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn vận hành, hoạt động trở lại sau khi hoàn thành công tác bảo dưỡng tổng thể Nhà máy, vượt tiến độ 7 ngày so với kế hoạch 55 ngày.

Đinh Huê