Các thành viên Đoàn khảo sát có đồng chí Mai Văn Chính, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Nguyễn Quang Dương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế; đồng chí Trần Sĩ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế; đồng chí Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Ủy viên ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế cùng các đồng chí lãnh đạo các đơn vị thuộc Ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh buổi làm việc.

Về phía VKSND tối cao tham dự buổi làm việc có đồng chí Lê Minh Trí, Uỷ viên Trung ương đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao; các đồng chí Ủy viên Ban Cán sự đảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao và lãnh đạo một số đơn vị thuộc VKSND tối cao.

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao đã trình bày Báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả thực hiện quản lý biên chế gắn với vị trí việc làm giai đoạn 2016-2021, đề xuất biên chế của VKSND giai đoạn 2022-2026 và hằng năm.

Về tình hình, kết quả thực hiện quản lý biên chế gắn với vị trí việc làm giai đoạn 2016-2021, Ban cán sự đảng VKSND tối cao đã xác định xây dựng và triển khai thực hiện vị trí việc làm là một trong những giải pháp căn bản để thực hiện chủ trương, yêu cầu của Đảng, Nhà nước về việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với tinh giản biên chế của hệ thống chính trị.

Trong giai đoạn 2016-2021, Ban cán sự đảng VKSND tối cao đã chỉ đạo tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Trung ương về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên trong toàn Ngành. VKSND các cấp đều xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, xây dựng vị trí việc làm, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Căn cứ các nghị quyết của Trung ương, Ban cán sự đảng VKSND tối cao đã cụ thể hóa thành nghị quyết, chương trình, kế hoạch, để tổ chức thực hiện thống nhất trong ngành KSND.

Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tối cao đã ban hành nhiều nghị quyết, quy định, quy chế về xây dựng vị trí việc làm, về quản lý công chức, viên chức để lãnh đạo, chỉ đạo toàn Ngành thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng đảng, xây dựng Ngành. Đã chỉ đạo toàn ngành thực hiện nghiêm Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương, kiện toàn tổ chức bộ máy VKSND các cấp, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng chất đội ngũ công chức, viên chức gắn với thực hiện tinh giản biên chế theo chủ trương của Đảng.

Tuy nhiên công tác quản lý biên chế trong ngành KSND còn một số hạn chế, vướng mắc, đó là: Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, số lượng vụ việc về hình sự, các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại ngày càng tăng, bình quân khoảng 10%/1 năm. Bên cạnh đó, thực hiện các quy định của 7 đạo luật về tư pháp mới được Quốc hội ban hành, sửa đổi từ năm 2015 đến nay, theo đó, chức năng, nhiệm vụ của Viện kiếm sát tăng thêm, Viện kiểm sát chuyển từ 3 cấp thành 4 cấp nhưng số lượng biên chế được giao từ năm 2012 vẫn điều chỉnh giảm với số lượng bắt buộc (10% biên chế) dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp chất lượng công tác nghiệp vụ chuyên môn và việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ luật định.

Cùng với đó, một số quy định của Nghị định 108 ngày 20/11/2014 của Chính phủ về tiêu chuẩn điều kiện để thực hiện nghỉ hưu, thôi việc còn vướng mắc khi thực hiện. Số lượng các chức danh tư pháp, nhất là số lượng Kiểm sát viên các ngạch của VKSND các cấp không đáp ứng yêu cầu giải quyết khối lượng công việc tăng cao, nhất là ở VKSND cấp huyện.

Các thành viên đoàn công tác bày tỏ sự nhất trí cao với báo cáo của VKSND tối cao, đồng thời ghi nhận và chia sẻ sự khó khăn về biên chế của VKSND các cấp, trong khi chức năng, nhiệm vụ, khối lượng công việc ngày càng gia tăng nhưng số lượng biên chế phải thực hiện tinh giản, khiến ngành Kiểm sát nhân dân gặp những áp lực rất lớn.

Tại buổi làm việc, sau khi nghe ý kiến phát biểu của các thành viên trong đoàn khảo sát, ý kiến giải trình, làm rõ các nội dung của các đồng chí trong Ban Cán sự đảng VKSND tối cao và đại diện lãnh đạo một số đơn vị liên quan thuộc VKSND tối cao, đồng chí Trương Thị Mai, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế đã phát biểu kết luận buổi làm việc.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Trương Thị Mai, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế phát biểu kết luận buổi làm việc.

Theo đó, đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế Trương Thị Mai ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của ngành Kiểm sát để đạt được những kết quả trong thời gian qua, đồng thời khẳng định, trong những năm qua, ngành KSND đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý biên chế như Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương. Điều này thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và sự nghiêm túc của ngành Kiểm sát nhân dân.

Đề cập về một số kết quả nổi bật trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND, đồng chí Trương Thị Mai khẳng định, về cơ bản VKSND đã thực hiện tốt các chỉ tiêu, yêu cầu công tác theo nghị quyết của Quốc hội, qua đó ngày càng tạo được sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Chia sẻ với ngành Kiểm sát trước yêu cầu, nhiệm vụ và áp lực công việc ngày càng tăng, đồng chí Trương Thị Mai cũng ghi nhận các ý kiến phát biểu, kiến nghị và đề xuất được Ban Cán sự đảng VKSND tối cao nêu lên tại buổi làm việc, đồng thời cho rằng, VKSND cần tiếp tục xem xét việc sắp xếp biên chế gắn với chức năng nhiệm vụ được giao, vị trí việc làm, yêu cầu của công việc để có sức thuyết phục, chặt chẽ hơn.

Nhấn mạnh vị trí, chức năng quan trọng của VKSND trong bộ máy Nhà nước theo quy định của Hiến pháp năm 2013 - (Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp), đồng chí Trương Thị Mai cho rằng, để ngành Kiểm sát tiếp tục thực hiện và hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình thì Ngành cần quan tâm hơn đến công tác đào tạo, trong đó tăng cường đào tạo từ thực tiễn, hoàn thiện các chức danh, chức vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên bản lĩnh, yêu nghề và có đủ các phẩm chất theo như lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ ngành Kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Minh Trí, Uỷ viên Trung ương đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao thay mặt Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tối cao cảm ơn các đồng chí trong đoàn kiểm tra đã quan tâm và có buổi làm việc tại VKSND tối cao; đồng thời cảm ơn sự lắng nghe, chia sẻ của đoàn trước những áp lực, khó khăn về biên chế của ngành Kiểm sát trong những năm qua.

leftcenterrightdel
  Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí phát biểu.

Điểm lại một số kết quả nổi bật mà ngành Kiểm sát đạt được, đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cũng đã chia sẻ một số nội dung liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành trong bối cảnh tình hình tội phạm diễn biến ngày càng phức tạp, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong Ngành, về chính sách, chế độ đối với đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên…

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí khẳng định, Ban Cán sự đảng VKSND tối cao sẽ tiếp thu nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trưởng đoàn; đồng thời sẽ chỉ đạo quyết liệt, nghiêm túc trong thực hiện các Nghị quyết của Trung ương về công tác quản lý biên chế; toàn ngành Kiểm sát sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Tại buổi làm việc, Ban Cán sự đảng VKSND tối cao đã đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế quan tâm phê duyệt kết quả đề xuất biên chế của VKSND giai đoạn 2022-2026 và hằng năm; trên cơ sở đó, VKSND tối cao tiếp tục trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao bổ sung biên chế chức danh tư pháp theo quy định của pháp luật. Đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm rà soát, sửa đổi Nghị định 108/NĐ-CP ngày 20/11/2014 về tinh giản biên chế; có chính sách tiền lương, chế độ phù hợp và giải quyết chế độ đối với người chịu tác động của việc tinh giản biên chế.
Đắc Thái