leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 18/3 (ảnh: VPQH cung cấp).

Xử lý nghiêm các đường dây đưa người ra nước ngoài làm việc trái pháp luật

Phát biểu chất vấn, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, hiện nay có tình trạng người Việt Nam, chủ yếu là giới trẻ đi lao động ở nước ngoài nhưng làm việc trong các sòng bạc lừa đảo, các cơ sở mại dâm. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết giải pháp để phát hiện, hỗ trợ người dân?

leftcenterrightdel
 Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nêu câu hỏi chất vấn (ảnh: VPQH cung cấp).

Trả lời câu hỏi chất vấn về vấn đề lừa đảo cưỡng bức lao động, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, đây là tình trạng diễn ra chủ yếu từ năm 2020 đến nay, là vấn đề phức tạp. Bộ đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức giải cứu và đưa nhiều người về nước. Tới đây, cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân, hỗ trợ cung cấp thông tin để các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đường dây đưa người ra nước ngoài làm việc trái pháp luật.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn (ảnh: VPQH cung cấp).

Bên cạnh đó, cần chủ động hợp tác với các nước trong khu vực để tìm giải pháp chung trong đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này, thúc đẩy quá trình hợp tác lao động, di cư hợp pháp có tổ chức, ngăn chặn di cư bất hợp pháp. Đồng thời, tiếp tục triển khai các công tác bảo hộ công dân, hỗ trợ triển khai đưa về nước, hợp tác chặt chẽ với các nước sở tại để giải cứu công dân là nạn nhân của nạn buôn người, cưỡng bức lao động. 

Công tác bảo hộ công dân đối với người lao động di trú còn gặp nhiều khó khăn

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, đại biểu Tráng A Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho biết, Việt Nam đã thành lập Ban quản lý lao động ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ có đông lao động Việt Nam làm việc. Cơ quan này đã phát huy có hiệu quả vai trò, trách nhiệm của mình đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài, nhất là trong những trường hợp giải cứu, bảo vệ công dân Việt Nam khỏi nước sở tại.

leftcenterrightdel
  Đại biểu Tráng A Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang nêu câu hỏi chất vấn (ảnh: VPQH cung cấp).

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, công tác bảo hộ công dân đối với người lao động di trú còn gặp nhiều khó khăn nhưng cơ chế của Việt Nam với các quốc gia sở tại vẫn còn là một khâu yếu, nhất là địa bàn chưa có cơ quan đại diện ngoại giao. Vì vậy, xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp khắc phục tình trạng trên trong thời gian tới?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Tráng A Dương, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết thời gian qua Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh Xã hội phối hợp chặt chẽ trong việc mà đưa người lao động chúng ta ra nước ngoài. Đặc biệt là vai trò của Cơ quan đại diện phối hợp với Ban Quản lý lao động. Tuy nhiên, không phải nước nào chúng ta cũng có cơ quan đại diện. Do đó, Bộ đề nghị phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý lao động đồng thời Đại sứ kiêm nhiệm phát huy vai trò ở các nước địa bàn đó cùng phối hợp với Ban quản lý lao động.

Giải pháp bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam tại các nơi xảy ra xung đột

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH Tp. Hải Phòng đề nghị Bộ trưởng cho biết, Bộ đã triển khai các biện pháp gì để nhằm bảo hộ, bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam tại các địa bàn xảy ra xung đột trong thời gian vừa qua? Những khó khăn và giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới?

leftcenterrightdel
 Đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH Tp. Hải Phòng nêu câu hỏi chất vấn (ảnh: VPQH cung cấp).

Trả lời câu hỏi nêu trên, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, thời gian qua, xung đột xảy ra nhiều nơi trên thế giới. Khi xung đột xảy ra thì Bộ đã phối hợp để triển khai sơ tán ngay công dân về nơi an toàn. Đến nay mọi việc được triển khai tốt. Công tác bảo hộ công dân của ta được tiến hành rất kịp thời.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung vào vào công tác dự báo tình hình, dự đoán nguy cơ xung đột giữa các nước hoặc xung đột nội bộ để kịp thời sơ tán công dân; tiếp tục thông tin cảnh báo cho các địa phương; phối hợp chặt chẽ với các đối tác Việt Nam…

6 trọng tâm trong ngoại giao kinh tế của Việt Nam thời gian tới

Phát biểu chất vấn, đại biểu Lê Thị Song An - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An cho biết, đến nay Việt Nam đã nâng cấp quan hệ ngoại giao lên đối tác chiến lược toàn diện với nhiều quốc gia, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Điều này mở ra nhiều cơ hội và không ít thách thức để thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước và các địa phương.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Lê Thị Song An - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An nêu câu hỏi chất vấn (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp hiệu quả nào trong việc thúc đẩy quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong thời gian tới?

Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Lê Hữu Trí - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa đề nghị Bộ trưởng cho biết, Bộ Ngoại giao đã và sẽ tham mưu Chính phủ có các kế hoạch, chương trình hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư, du lịch với các đối tác thương mại lớn chủ chốt của Việt Nam như thế nào và hỗ trợ gì cho các địa phương trước những thời cơ và thách thức mới?

leftcenterrightdel
 Đại biểu Lê Hữu Trí - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa nêu câu hỏi chất vấn (ảnh: VPQH cung cấp).

Trả lời các câu hỏi chất vấn nêu trên, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Hiện nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 193 nước thành viên của Liên hợp quốc, có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 7 nước.

Bộ trưởng nêu rõ, trong việc thiết lập, nâng cấp quan hệ với các đối tác, chúng ta quan tâm đến các nội hàm quan trọng như: tạo dựng tin cậy chính trị cao hơn với các đối tác, từ những thế mạnh của từng đối tác để thúc đẩy khuôn khổ thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo một cách sâu sắc hơn, toàn diện hơn…

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết việc làm sâu sắc quan hệ với các nước đối tác đã tạo ra rất nhiều cơ hội để tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, giáo dục - đào tạo và giao lưu Nhân dân, du lịch... Trên cơ sở tin cậy chính trị được củng cố, tăng cường, thì Bộ Ngoại giao đặt ra các trọng tâm trong ngoại giao kinh tế thời gian tới.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Thứ nhất là phải phát huy hiệu quả các khuôn khổ quan hệ đã thiết lập và nâng tầm quan hệ; qua đó xác định những trọng tâm hợp tác trong từng lĩnh vực với các đối tác và trên cơ sở đó sẽ thông tin cho các địa phương, bộ ngành để cùng nhau phối hợp triển khai để tranh thủ tốt nhất cơ hội mở ra.

Thứ hai là tăng cường công tác nghiên cứu, phát hiện và kết nối các cơ hội để làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống. 

Thứ ba là đẩy mạnh thu hút nguồn lực phục vụ cho thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới là tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hợp tác về chuyển đổi năng lượng. 

Thứ tư là hỗ trợ các ngành, các lĩnh vực địa phương, doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thực tiễn của đất nước ta; triển khai bằng các dự án hợp tác rất cụ thể.

Thứ năm là phát huy lợi thế, nâng cao hơn nữa vai trò ngoại giao trong nghiên cứu, tham mưu phục vụ cho điều hành của Chính phủ và các cơ quan của Đảng và Nhà nước ta.

Thứ sáu là tham gia đóng góp tích cực vào các cơ chế hợp tác kinh tế đa phương, duy trì được chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất…

Diên Hồng