Bộ Tài chính đang dự thảo (lần 2) Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Giá để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo Bộ Tài chính, việc ban hành Nghị định nhằm thể chế hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và các quy định của Luật Giá năm 2023; quy định chi tiết và đầy đủ những nội dung mà Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn thi hành tại Luật Giá về quản lý, điều tiết giá, nhất là đảm bảo tăng cường phân công, phân cấp trong quản lý, điều tiết giá đã được thể hiện tại Luật; kế thừa và hoàn thiện những quy định về giá tại các văn bản hướng dẫn Luật Giá năm 2012 còn phù hợp với Luật Giá năm 2023 và thực tiễn.

Nghị định phải góp phần giải quyết những bất cập đang đặt ra trong thực tiễn và bảo đảm sự thống nhất trong tổ chức của các cơ quan thực hiện quản lý, điều tiết giá, tăng cường tính đồng bộ, thống nhất trong triển khai các biện pháp quản lý, điều tiết giá của các cơ quan trung ương và địa phương.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ.

Về bố cục, dự thảo Nghị định gồm 5 Chương 28 Điều quy định cụ thể về hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước; công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; cơ sở dữ liệu về giá;...

Liên quan đến nội dung về Hiệp thương giá, Điều 12 dự thảo Nghị định đã quy định về trình tự, thủ tục tổ chức hiệp thương giá để cụ thể hóa khoản 6 Điều 27 của Luật Giá. Theo đó, quy định 3 giai đoạn trước khi hiệp thương giá, tại hội nghị hiệp thương giá và trường hợp bên mua và bên bán không thỏa thuận được mức giá và tiếp tục đề nghị cơ quan hiệp thương giá xác định mức giá để hai bên thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 27 Luật Giá.

Về cơ sở dữ liệu về giá, trên cơ sở nội dung được giao tại Luật Giá 2023, dự thảo Nghị định đã kế thừa một số quy định hiện hành phù hợp cũng như quy định chi tiết hơn về việc quản lý, cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về giá.

Cụ thể, dự thảo Nghị định đã quy định một số nội dung chi tiết về nguyên tắc trong việc xây dựng Cơ sở dữ liệu về giá. Theo đó, cơ sở dữ liệu về giá phải được đảm bảo xây dựng trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo các tiêu chuẩn về kỹ thuật, kết nối, bảo mật… Trong đó, dự thảo Nghị định đã nhấn mạnh việc đảm bảo kết nối giữa các cơ sở dữ liệu về giá với nhau.

Dự thảo Nghị định còn quy định rõ về trách nhiệm trong việc quản lý, điều hành, quản trị các hệ thống cơ sở dữ liệu về giá từ trung ương đến địa phương. Trong đó, Bộ Tài chính thống nhất quản lý đối với cơ sử dữ liệu quốc gia về giá và giao cho đơn vị chuyên môn trực thuộc tổ chức thực hiện. UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý và giao nhiệm vụ cho cơ quan chuyên môn thuộc UBND tổ chức việc quản trị, điều hành cơ sở dữ liệu về giá tại địa phương.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định còn quy định về căn cứ để điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, đó là: Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế xã hội; quy định của pháp luật về cơ chế quản lý hàng hóa, dịch vụ;

Ảnh hưởng của giá hàng hóa, dịch vụ đến đời sống kinh tế, xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hoặc đời sống người dân;

Tình hình công tác quản lý hàng hóa, dịch vụ cụ thể của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh;

Tính chất của hàng hóa, dịch vụ cần bổ sung hoặc đưa ra khỏi Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; Tính khả thi của việc thay đổi cơ chế quản lý đối với hàng hóa, dịch vụ.

P.V