Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng vừa ký ban hành Thông tư số 53/2014/TT-BGTVT quy định về bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Theo đó, kể từ ngày 1/12/2014, các loại phương tiện giao thông cơ giới tham gia giao thông đường bộ bắt buộc phải tuân thủ các quy định về sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên và định kỳ. Riêng các loại môtô, xe máy, máy kéo và xe cơ giới sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an không áp dụng các quy định tại thông tư này.
Đối với hoạt động bảo dưỡng định kỳ, Thông tư 53 quy định các phương tiện có quy định của nhà sản xuất phải thực hiện bảo dưỡng theo đúng quy định của nhà sản xuất; các phương tiện không có quy định của nhà sản xuất phải thực hiện bảo dưỡng phù hợp với từng loại xe theo nội dung được xây dựng bởi các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng.
|
|
Điểm khác nhau ở quy định này là sự phân biệt giữa phương tiện có quy định của nhà sản xuất và không có quy định của nhà sản xuất. Do đó, có thể hiểu theo hai hướng đơn giản: phương tiện có quy định của nhà sản xuất là các phương tiện đang trong thời hạn bảo hành của nhà sản xuất (thông qua việc thực hiện của đơn vị phân phối), và phương tiện đã hết thời hạn bảo hành của nhà sản xuất.
Việc tuân thủ quy định của Bộ Giao thông Vận tải đối với trường hợp thứ nhất không có gì phải bàn cãi khi chủ phương tiện chỉ cần thực hiện theo đúng lịch trình kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ mà nhà sản xuất áp dụng. Đây cũng chính là quyền lợi lớn mà mỗi người tiêu dùng mua xe được hưởng và cần đòi hỏi khi mua phương tiện.
Đối với trường hợp thứ hai, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã ban hành riêng một phụ lục kèm theo thông tư, theo đó quy định rõ về chu kỳ bảo dưỡng định kỳ.
Cụ thể, các loại ôtô con (chở người dưới 10 chỗ ngồi) phải thực hiện bảo dưỡng định kỳ sau mỗi quãng đường vận hành 5.000 - 10.000 km hoặc sau thời gian 6 tháng sử dụng tùy điều kiện nào đến trước. Tương ứng, các loại ôtô chở người từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe tải, xe chuyên dụng, xe sơ-mi rơ-mooc phải thực hiện bảo dưỡng định kỳ sau 4.000 - 8.000 km vận hành hoặc thời hạn 3-6 tháng.
Đáng chú ý, nhằm tránh trường hợp chủ phương tiện “trốn” bảo dưỡng, Bộ Giao thông Vận tải đã quy định rõ các “xe cơ giới xuất xưởng sau khi bảo dưỡng định kỳ phải có biên bản bàn giao xe, trong đó ghi rõ thời hạn và các điều kiện bảo hành chất lượng sau dịch vụ. Thời hạn bảo hành không được nhỏ hơn 2 tháng hoặc 1.500 km xe chạy tùy theo điều kiện nào đến trước, tính từ thời điểm giao xe xuất xưởng”.
Đồng thời, Bộ cũng quy định các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa phải có đủ trình độ, năng lực và trang thiết bị cần thiết để đảm bảo công tác sửa chữa, bảo dưỡng; hoạt động sửa chữa, bảo dưỡng phải đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, chất lượng, an toàn và bảo vệ môi trường.
Cũng theo Thông tư 53, ngoài quy định về bảo dưỡng định kỳ thì các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cũng phải thực hiện các quy trình về sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên.
Cụ thể, công tác bảo dưỡng thường xuyên phải được thực hiện hằng ngày hoặc trước, sau mỗi chuyến đi; phải được chủ xe hoặc lái xe thực hiện để đảm bảo tình trạng kỹ thuật của xe trước khi xuất phát.
Các nội dung bảo dưỡng thường xuyên được quy định rõ tại phụ lục kèm theo thông tư như kiểm tra tình trạng bên ngoài xe, áp suất lốp, nhiên liệu, dầu máy, nước làm mát, hệ thống điện, ly hợp, vô-lăng… trước khi khởi động động cơ; kiểm tra sự làm việc và giá trị chỉ báo đồng hồ, đèn báo bảng điều khiển, kiểm tra sự làm việc của hệ thống phanh, hệ thống đèn, kiểm tra tình trạng nhiên liệu, dầu máy, khí nén… sau khi khởi động động cơ; các hoạt động kiểm tra trước khi xe xuất phát và khi đang vận hành; kiểm tra và bảo dưỡng sau khi kết thúc hành trình.
Đây có thể xem là một biện pháp mạnh tay của ngành giao thông vận tải nhằm đảm bảo tình trạng chất lượng và khả năng vận hành của các loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ, đặc biệt là trước thực trạng đáng lo ngại của tai nạn giao thông có nguyên nhân từ chất lượng và đặc tính kỹ thuật của phương tiện.
Theo Vneconomy