Luật Cảnh sát cơ động được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 14/6/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023. Việc ban hành Kế hoạch nhằm xác định trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh và cơ quan có liên quan nhằm bảo đảm triển khai thi hành Luật kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả.

Trong công tác tuyên truyền, phổ biến Luật, Kế hoạch nêu rõ, Bộ Công an được giao chủ trì biên soạn, in, cấp phát tài liệu, tuyên truyền, phổ biến Luật cho cán bộ, chiến sĩ trong CAND; xây dựng và triển khai kế hoạch tập huấn chuyên sâu về Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt, báo cáo viên pháp luật Công an các cấp, các học viện, nhà trường trong CAND, trọng tâm là lực lượng Cảnh sát cơ động.

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công an, các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin, báo chí thực hiện tuyên truyền, phổ biến Luật. Các bộ, ngành có liên quan, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật trong cơ quan, đơn vị, địa phương.

Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phối hợp với Bộ Công an, các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật cho các hội viên và các tầng lớp nhân dân.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Quốc hội ấn nút thông qua Luật Cảnh sát cơ động. (Ảnh: Quốc hội)

Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật được thực hiện từ Quý IV năm 2022 và các năm tiếp theo.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật theo danh mục tại Quyết định số 917/QĐ-TTg ngày 1/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật, Nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 3. Thời gian trình trước ngày 15/11/2022.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình xây dựng kế hoạch triển khai thi hành Luật; tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật; tổ chức kiểm tra, rà soát, hệ thông hóa văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đề xuất sửa đổi bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới cho phù hợp với Luật, gửi kết quả về Bộ Công an để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thời gian hoàn thành nhiệm vụ này tháng 10 năm 2022.

Các cơ quan được phân công chủ trì có trách nhiệm hoàn thành nội dung công việc được giao, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả; các cơ quan phối hợp có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thực hiện các nội dung nhiệm vụ cụ thể được phân công. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, báo cáo kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch này về Bộ Công an để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Công an chịu trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch này.

Theo quy định của Luật cảnh sát cơ động được Quốc hội thông qua, lực lượng Cảnh sát cơ động được sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu và các biện pháp công tác khác để thực hiện các nhiệm vụ như tấn công, ngăn chặn đối tượng thực hiện hành vi bắt cóc con tin, sử dụng bạo lực xâm phạm, đe dọa xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân, tổ chức; giải tán các vụ tập trung đông người gây rối an ninh, trật tự...

P.V