3 nhóm hành vi cản trở hoạt động tố tụng

Theo đó, Pháp lệnh gồm 4 chương, 48 điều; quy định về hành vi cản trở hoạt động tố tụng bị xử phạt vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt; biện pháp khắc phục hậu quả; biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính; thẩm quyền, thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Pháp lệnh quy định cụ thể hành vi cản trở hoạt động tố tụng, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với 3 nhóm hành vi.

Cụ thể, nhóm hành vi cản trở hoạt động tố tụng hình sự, gồm: Tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật; tiết lộ bí mật điều tra; vi phạm quy định về sự có mặt theo giấy triệu tập; cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân tham gia tố tụng; cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ; ngăn cản việc cấp, giao nhận, thông báo hoặc không thực hiện trách nhiệm cấp, giao, chuyển, gửi, niêm yết, thông báo văn bản tố tụng; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, xâm hại sức khỏe của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Nhóm thứ hai là nhóm hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án Nhân dân, đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, gồm: Cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của tòa án; cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân tham gia tố tụng theo yêu cầu của tòa án; cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của cơ quan, người có thẩm quyền; cản trở việc cấp, giao, nhận, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của tòa án; can thiệp vào việc giải quyết vụ án, vụ việc; xúc phạm, xâm hại đến sự tôn nghiêm, uy tín của tòa án; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, xâm hại sức khỏe của người có thẩm quyền hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của tòa án và hành vi đưa tin sai sự thật.

Nhóm thứ ba là hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp; hành vi khác cản trở hoạt động tố tụng.

leftcenterrightdel
 Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng chính thức có hiệu lực từ 1/9/2022

Pháp lệnh quy định rõ người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng bao gồm: Các chức danh có thẩm quyền xử phạt của Tòa án Nhân dân; các chức danh có thẩm quyền xử phạt của Công an Nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp.

Pháp lệnh phân định thẩm quyền xử phạt cho người có thẩm quyền của Công an Nhân dân, Tòa án Nhân dân, Tòa án quân sự, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp xử phạt đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng khi Viện kiểm sát Nhân dân, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát quân sự Trung ương và Cơ quan điều tra trong Quân đội Nhân dân thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động tố tụng.

Khi xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu xét thấy hành vi vi phạm quy định tại Pháp lệnh này có dấu hiệu tội phạm, người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự.

Mức phạt tiền tối đa 80 triệu đồng

Về đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, các cá nhân quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 5 của Luật Xử lý vi phạm hành chính thực hiện hành vi quy định tại Chương II của Pháp lệnh này.

Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân, người làm công tác cơ yếu thực hiện hành vi cản trở hoạt động tố tụng khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ và hành vi vi phạm đó thuộc công vụ, nhiệm vụ, không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức và quy định khác của pháp luật có liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 495 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 324 và khoản 1 Điều 325 của Luật Tố tụng hành chính.

Trường hợp Hội thẩm thực hiện hành vi cản trở hoạt động tố tụng khi đang thực hiện nhiệm vụ của Hội thẩm, không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà bị xử lý theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính còn có các tổ chức quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 5 của Luật Xử lý vi phạm hành chính thực hiện hành vi quy định tại Chương II của Pháp lệnh này. Các hình thức xử phạt chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng bao gồm: Cảnh cáo; phạt tiền.

Ngoài ra, hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

Nguyên tắc áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 21 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cá nhân đến 40 triệu đồng, của tổ chức đến 80 triệu đồng.

Hồng Vân