Theo đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Nghị định số 56/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT. Trong đó, Chính phủ quy định cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT có 23 đơn vị gồm: 8 vụ, 8 cục, thanh tra bộ, văn phòng bộ và 5 đơn vị sự nghiệp.
So với cơ cấu tổ chức bộ máy cũ với 27 đơn vị, bộ máy mới của Bộ GTVT giảm 4 đơn vị, trong đó Tổng cục Đường bộ Việt Nam được tách ra thành 2 cục (Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường cao tốc Việt Nam). Ngoài ra, bộ máy mới của Bộ GTVT cũng không còn Vụ An toàn giao thông, Vụ Quản lý doanh nghiệp, Vụ Đối tác công – tư, Cục Y tế giao thông vận tải.
Bên cạnh đó, Vụ Môi trường được nhập vào Vụ Khoa học Công nghệ thành Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường; Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông đổi tên thành Cục Quản lý đầu tư xây dựng và có thêm Vụ Hợp tác Quốc tế.
Trong các đơn vị của Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam có con dấu hình Quốc huy. Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có các Cảng vụ trong cơ cấu tổ chức của Cục. Các Cảng vụ Hàng không, Cảng vụ Hàng hải và Cảng vụ Đường thủy nội địa là tổ chức hành chính tương đương Chi cục thuộc Cục thuộc bộ.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các tổ chức trực thuộc bộ; trình Thủ tướng ban hành danh sách các tổ chức sự nghiệp công lập trực thuộc bộ.
Nghị định cũng quy định rõ, Vụ Quản lý doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động theo quy định hiện hành cho đến khi Bộ Giao thông vận tải hoàn thành việc tái cơ cấu Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Cục Y tế Giao thông vận tải tiếp tục duy trì hoạt động theo quy định hiện hành cho đến khi Bộ Giao thông vận tải hoàn thành việc bàn giao nguyên trạng các cơ sở y tế thuộc Cục Y tế Giao thông vận tải về địa phương quản lý và Trung tâm Y tế - Môi trường lao động Giao thông vận tải được thành lập theo quy định.
Bộ trưởng GTVT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường cao tốc Việt Nam, bảo đảm kế thừa các nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế cho đến khi cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan.
Các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục duy trì hoạt động theo quy định hiện hành cho đến khi cơ quan có thẩm quyền hoàn thành việc sắp xếp đối với các đơn vị này.
Các Cảng vụ Hàng không, Cảng vụ Hàng hải và Cảng vụ Đường thủy nội địa tiếp tục được áp dụng cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định cho đến khi cơ quan có thẩm quyền quyết định thực hiện cải cách chính sách tiền.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2022.
Theo đề án của Bộ GTVT, Cục Đường cao tốc Việt Nam có 5 phòng: Tổ chức - Hành chính; Pháp chế - Thanh tra - An toàn; Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc; Kế hoạch - Tài chính và Quản lý đầu tư xây dựng. Ngoài ra cục này còn có Chi cục Quản lý đường cao tốc 1, 2, 3 và Trung tâm Điều hành giao thông đường cao tốc (ITS).
Cục sẽ theo dõi, bảo trì, khai thác và quản lý nhà nước trên các tuyến cao tốc hiện có, gồm 209 km do Nhà nước đầu tư; 245 km theo hình thức BOT và khoảng 773 km do địa phương và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư.
Cục Đường bộ Việt Nam có khối phòng ban tham mưu tương tự, thêm phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái; Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế. Bên dưới có 7 chi cục 1, 2, 3, 4, 5, 6 và Chi cục Quản lý đầu tư xây dựng đường bộ.
Dự kiến, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ có 558 người và Cục Đường cao tốc Việt Nam có 170 người.
|