Theo cơ quan chủ trì xây dựng, ngày 5/3/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/2018/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.

Nghị định số 29/2018/NĐ-CP được ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc thực hiện xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân. Sau hơn 3 năm thực hiện cho thấy vẫn còn tồn tại, vướng mắc trong tổ chức thực hiện Nghị định.

Theo đó, phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 29/2018/NĐ-CP là rất rộng, bao gồm rất nhiều loại tài sản khác nhau như: Tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật (Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, vật chứng vụ án, tài sản của người bị kết án bị tịch thu); tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, tài sản bị chôn giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy, tài sản không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước theo quy định của Bộ luật dân sự.

Hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan; tài sản của quỹ xã hội, tài sản của quỹ từ thiện bị giải thể; tài sản do chủ sở hữu tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước; tài sản do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam theo cam kết sau khi kết thúc thời hạn hoạt động; tài sản được đầu tư theo hình thức đối tác công tư; tài sản bị chôn giấu, bị vùi lấp, chìm đắm.

Cùng với đó, trình tự, thủ tục lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản tại Nghị định số 29/2018/NĐ-CP chưa phù hợp với thực tiễn của một số lĩnh vực có khối lượng phát sinh rất lớn như: Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng... Đồng thời, cũng tại Nghị định số 29/2018/NĐ-CP chưa quy định cụ thể về thủ tục hành chính, hồ sơ khi lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản (nội dung này đang được quy định tại Thông tư số 57/2018/TT-BTC).

leftcenterrightdel
 Tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật (Ảnh minh họa).

Mặt khác, quy định về thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân trên cơ sở giá trị tài sản là không phù hợp, dẫn đến phát sinh vướng mắc trong thực hiện; một số loại tài sản có vướng mắc trong xác lập sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý một số loại tài sản được xác lập sở hữu toàn dân.

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, việc sửa đổi Nghị định số 29/2018/NĐ-CP của Chính phủ là cần thiết, nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, bổ sung các quy định về các vấn đề chưa có quy định điều chỉnh, giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn để tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.

Cùng với đó, các nội dung sửa đổi, bổ sung phải phù hợp với các quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017; đồng thời, giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn trong thời gian vừa qua. Các nội dung sửa đổi, bổ sung phải đồng bộ với các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công đã được Chính phủ ban hành. Đồng thời, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp thẩm quyền, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết trong việc quản lý, sử dụng, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.

Về nguyên tắc xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, Điều 3 dự thảo Nghị định nêu rõ: Việc xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và quản lý, xử lý tài sản trên cơ sở kế thừa các nguyên tắc quy định tại Nghị định số 29/2018/NĐ-CP; đồng thời, có bổ sung một số nguyên tắc đó là: Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân và được xử lý theo hình thức giao, điều chuyển thì việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản sau khi tiếp nhận được thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan; không quản lý, xử lý theo Nghị định này.

Trường hợp trong điều ước quốc tế do nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ký kết hoặc là thành viên có quy định về việc xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Việc phê duyệt phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được thực hiện bằng hình thức Quyết định.

Việc xử lý tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu được thực hiện đối với tài sản của từng vụ việc. Trường hợp giá trị tài sản của một vụ việc dưới 100 triệu đồng/1 vụ việc thì đơn vị chủ trì quản lý tài sản có thể tổng hợp tài sản của nhiều vụ việc để xử lý một lần nhưng thời hạn xử lý tối đa không quá 6 tháng kể từ ngày có quyết định tịch thu của cơ quan, người có thẩm quyền.

P.V