Nghị định 37/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 9/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu.

Theo đó, vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng bao gồm: Vi phạm quy định về thực hiện nghĩa vụ quân sự; vi phạm quy định về lực lượng dự bị động viên; vi phạm quy định về động viên công nghiệp.

Vi phạm quy định về dân quân tự vệ; vi phạm quy định về bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Vi phạm quy định về sử dụng chứng nhận đăng ký xe quân sự, giấy phép lái xe quân sự và sử dụng, mua bán, sản xuất biển số đăng ký xe quân sự, phương tiện quân sự hoạt động trong lĩnh vực đường thủy nội địa và hàng hải.

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực cơ yếu bao gồm: Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng sản phẩm mật mã để bảo vệ thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước.

Vi phạm quy định về bảo vệ thông tin bí mật nhà nước khi truyền đưa bằng phương tiện thông tin, viễn thông hoặc lưu giữ trên các thiết bị điện tử, tin học và trên mạng viễn thông mà không được mã hóa bằng mật mã của cơ yếu.

Vi phạm quy định về thời hạn không được tham gia hoạt động mật mã và quy định về sản xuất, cung cấp sản phẩm mật mã để bảo vệ thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước.

leftcenterrightdel
 Quân khu 7 kiểm tra công tác tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ. (Ảnh minh hoạ)

Các hành vi vi phạm hành chính khác liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu không được quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định về xử phạt vi phạm hành chính tại các nghị định khác có liên quan.

Bên cạnh đó, Nghị định số 37/2022/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 Điều 3 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 9/10/2013 của Chính phủ.

Cụ thể, mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu là 75 triệu đồng và đối với tổ chức là 150 triệu đồng.

Phạt tiền từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

Không thực hiện đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị theo quy định.

Không đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung khi có sự thay đổi về chức vụ công tác, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, tình trạng sức khỏe và thông tin khác có liên quan đến nghĩa vụ quân sự theo quy định.

Không thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập theo quy định.

Không thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự tạm vắng theo quy định.

Về thẩm quyền xử phạt, Nghị định quy định, Chánh thanh tra Bộ Quốc phòng có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 75 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 2b Nghị định này.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 22/7/2022.

P.V