Bộ Quốc phòng đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định quy trình xử lý VPHC của Bộ đội Biên phòng để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Theo Bộ Quốc phòng, việc xây dựng Thông tư nhằm quy định quy trình, hướng dẫn công tác xử lý VPHC của Bộ đội Biên phòng bảo đảm thống nhất, phù hợp tình hình thực tiễn công tác xử lý VPHC của Bộ đội Biên phòng và quy định về xử lý VPHC của hệ thống pháp luật hiện hành; đồng thời, kế thừa, phát triển những quy định còn phù hợp của Thông tư số 78/2016/TT-BQP.

Về bố cục, dự thảo Thông tư gồm 3 chương, 26 điều. Việc xử lý VPHC phải bảo đảm nguyên tắc quy định tại Điều 3, Điều 5, Điều 134 Luật xử lý VPHC; Điều 6, Điều 8, Điều 9 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý VPHC và Thông tư này. Trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên mà có quy định khác thì áp dụng theo Điều ước quốc tế đó.

Liên quan đến việc thu thập, tiếp nhận thông tin, tài liệu về VPHC, dự thảo Thông tư nêu rõ, người có thẩm quyền xử lý VPHC trong Bộ đội Biên phòng khi thực hiện nhiệm vụ có trách nhiệm thu thập thông tin, tài liệu về vụ việc có dấu hiệu VPHC từ các nguồn gồm: Trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông báo của cấp trên hoặc do cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân cung cấp; trình báo, đơn thư khiếu nại, tố cáo, tố giác vi phạm pháp luật của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân; khi tiến hành kiểm tra, kiểm soát, quản lý địa bàn; các nguồn thông tin khác.

Sau khi thu thập, tiếp nhận thông tin, tài liệu về vụ vi phạm, người có thẩm quyền xử lý VPHC trong Bộ đội Biên phòng có trách nhiệm đánh giá độ tin cậy và phân tích dữ liệu thông tin, tài liệu thu thập được; báo cáo kịp thời cho người có thẩm quyền; đánh giá, thẩm tra, xác minh, khi thấy có dấu hiệu vi phạm thì tổ chức xác minh, bổ sung, củng cố chứng cứ.

Đối với thông tin có dấu hiệu vi phạm nhưng không thuộc thẩm quyền xử lý VPHC của mình thì chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền, đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp. 

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ.

Khi tiến hành hoạt động tiếp nhận, xử lý thông tin, tài liệu về vụ vi phạm, căn cứ tính chất, mức độ của thông tin, tài liệu có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, danh dự của người cung cấp thì người có thẩm quyền phải bảo mật thông tin, tài liệu, giữ bí mật nhân thân người cung cấp thông tin, tài liệu và có kế hoạch bảo đảm sự an toàn cho người cung cấp thông tin, tài liệu nếu người trình báo yêu cầu; không được tiết lộ thông tin, tài liệu cho người không có trách nhiệm.

Cùng với đó, dự thảo Thông tư còn quy định việc xử phạt VPHC không lập biên bản. Theo đó, khi phát hiện VPHC đang diễn ra, người có thẩm quyền xử lý VPHC trong Bộ đội Biên phòng đang thi hành công vụ quyết định buộc chấm dứt hành vi VPHC bằng lời nói, còi, hiệu lệnh hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Việc xử phạt VPHC không lập biên bản đối với hành vi VPHC mà hình thức xử phạt quy định là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, đến 500.000 đồng đối với tổ chức.

Cá nhân hoặc tổ chức thực hiện nhiều hành vi VPHC mà hình thức xử phạt đối với mỗi hành vi đều là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, đến 500.000 đồng đối với tổ chức. 

Trường hợp VPHC được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thì tiến hành lập biên bản VPHC và xử phạt theo thủ tục có lập biên bản theo quy định.

Mặt khác, dự thảo Thông tư còn quy định về việc xử phạt VPHC có lập biên bản; việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý VPHC; xác minh tình tiết của vụ VPHC; giải trình; đề xuất biện pháp xử lý; ra quyết định, thi hành quyết định xử phạt VPHC; huỷ bỏ, ban hành quyết định mới; đính chính, sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ một phần quyết định xử phạt VPHC; chế độ báo cáo, lập hồ sơ, lưu trữ hồ sơ công tác xử lý VPHC...

Ngoài ra, liên quan đến việc chuyển vụ VPHC để truy cứu trách nhiệm hình sự, dự thảo Thông tư nêu rõ, đối với vụ việc khi mới phát hiện, bắt giữ, đã lập biên bản VPHC nhưng trong quá trình xác minh theo thủ tục hành chính nếu có đủ yếu tố cấu thành một tội phạm thì người có thẩm quyền phải làm báo cáo kết luận nêu rõ các dấu hiệu tội phạm quy định tại các điều luật cụ thể trong Bộ luật Hình sự và chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để tiến hành điều tra theo thủ tục tố tụng hình sự. Trường hợp người lập biên bản VPHC có thẩm quyền điều tra theo thủ tục tố tụng hình sự thì tiếp tục thụ lý và tiến hành các hoạt động điều tra theo thẩm quyền... 

P.V