Bám sát và thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương của Đảng

Đề án nêu rõ các điểm chỉ đạo đó là: Bảo đảm công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật bám sát và thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương của Đảng tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; hướng đến mục tiêu vì con người, vì Nhân dân; tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và bảo đảm ngày càng tốt hơn dân chủ, công bằng, trật tự, kỷ cương xã hội; đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chủ động nghiên cứu và bám sát những nội dung trọng tâm, cốt lõi, điểm mới trong dự thảo các văn kiện Đại hội XIV, nhất là dự thảo Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIV và dự thảo Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam để làm tiền đề, cơ sở chính trị cho việc rà soát, đề xuất xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Tạo đột phá về thể chế, đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng pháp luật từ quản lý sang kiến tạo phát triển bền vững; xuất phát từ yêu cầu thực tiễn; cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; kịp thời giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra; bảo đảm sự bao phủ của pháp luật đối với mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ. (TTXVN)

Xác định cụ thể, rõ ràng các định hướng lập pháp và danh mục các nhiệm vụ lập pháp cần nghiên cứu, rà soát và nghiên cứu, sửa đổi, xây dựng mới. Các định hướng, nhiệm vụ lập pháp được xác định là cơ sở quan trọng để các bộ, cơ quan ngang bộ chủ động nghiên cứu, rà soát, đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết đưa vào Chương trình lập pháp hằng năm và triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI, đồng thời làm tiền đề "gối đầu" chuẩn bị cho nhiệm kỳ Quốc hội tiếp theo...

Mục tiêu của Đề án nhằm xác định các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện để xây dựng Đề án với lộ trình hợp lý; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình xây dựng Đề án và dự báo các điều kiện về nguồn lực tài chính, con người và thời gian cho việc triển khai thực hiện Đề án bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

Đề án được thực hiện từ năm 2025 đến năm 2031 với 3 nhiệm vụ trọng tâm gồm: 1- Đánh giá, tổng kết việc thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về Định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; rà soát, nghiên cứu, đề xuất Định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XVI; 2- Xây dựng kế hoạch thực hiện Định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XVI; 3- Nghiên cứu, rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc nghiên cứu, đề xuất xây dựng mới các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được xác định trong Định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XVI.

Trong đó, các bộ, cơ quan ngang bộ đánh giá, tổng kết thực hiện Định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; rà soát, đề xuất Định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XVI theo phạm vi, lĩnh vực quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ bao gồm: Rà soát, đánh giá, tổng kết việc thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5/11/2021; Kế hoạch số 734/KH-UBTVQH15 ngày 22/1/2024; Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021...

Rà soát các nghị quyết, kết luận của Đảng về các ngành, lĩnh vực để đánh giá việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và các vấn đề phát sinh từ thực tiễn cần nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Đề xuất Định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XVI, trong đó xác định cụ thể các định hướng và nhiệm vụ xây dựng pháp luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo lĩnh vực cần triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI; căn cứ, nội dung cần được nghiên cứu, rà soát, thể chế hoá; cơ quan chủ trì thực hiện; dự kiến thời hạn hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát và thời hạn cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (nếu có).

Đồng thời, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan có liên quan tổ chức các hội thảo, tọa đàm, khảo sát thực tế, học tập kinh nghiệm nước ngoài, lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học phục vụ việc nghiên cứu, rà soát để tham mưu giúp Chính phủ xác định việc sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất xây dựng mới các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được xác định trong định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XVI, bảo đảm chất lượng, tiến độ; báo cáo Chính phủ kết quả nghiên cứu, rà soát…

P.V