Nộp phạt thẳng cho CSGT không những tăng tiêu cực mà còn là tiền đề cho vi phạm giao thông tăng lên.
Ông Nghị kể một câu chuyện cụ thể mà chính bản thân ông cùng tham gia với một người bạn trên đường đê Yên Phụ.
“Người bạn tôi đi xe vào đường cấm, bị CSGT tuýt còi và mời vào một góc đường làm việc. CSGT nói với bạn tôi, anh ấy đã vi phạm luật giao thông, lỗi vào đường cấm và ghi biên bản mời bạn tôi ngày mai tới Đội Cấn (kho bạc) nộp tiền.
Bạn tôi có nói, cảm ơn anh tôi đang bận. Tôi xin phép đưa luôn tiền cho anh nhờ anh mai nộp giúp và lấy hóa đơn giúp tôi sau. Bạn tôi đưa cho CSGT 300.000 đồng.
3 ngày sau tôi bảo bạn tôi ra hỏi CSGT đã nộp phạt cho bạn chưa, bạn tôi trả lời “hỏi làm gì nữa. Có hỏi cũng không có biên bản, cũng chẳng biết đã họ có nộp phạt cho mình hay không đâu”.
Ông Nghị cho rằng, chưa có quy định này mà tình trạng tham nhũng, tiêu cực đã diễn ra thường ngày như vậy. Không đồng ý với quy định nộp phạt trực tiếp cho CSGT, ông Nghị nêu những lý do sau:
Một là người ra quyết định xử phạt lại thu tiền phạt thì có khác nào “đá bóng trên sân nhà”. Người xử phạt phải nghiêm minh, phải có đầu lạnh và chỉ khi nào tách bạch được người nộp phạt riêng với người thu tiền phạt riêng, phải làm cho minh bạch mới tránh được tiêu cực.
Thứ hai, đừng lo người vi phạm bị vất vả. Phải để cho người nộp phạt ý thức được họ đi nộp phạt không chỉ vì phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình mà còn phải coi việc đi nộp phạt đó là lần phạt thứ hai cho danh dự của họ.
“Vậy lý giải của ngành công an cho rằng nộp phạt trực tiếp sẽ giảm tiêu cực, tạo điều kiện thuận lợi cho người vi phạm thì cũng có thể hiểu là ngành công an đang khuyến khích cho vi phạm tăng lên”, ông Nghị nói.
“Tôi không phải đi đâu, không phải đưa mặt đến cơ quan nộp phạt, không bị bêu tên, không ai biết. Chỉ cần thỏa thuận đưa tiền, lỗi đáng 500.000 đồng đưa 300.000 đồng rồi đi. Dễ dàng vậy thì họ sợ gì vi phạm”.
Ông Nghị thắc mắc không hiểu, công an giữ tiền để làm gì? Không phải người vi phạm nào cũng có nhu cầu và muốn nhận hóa đơn, vậy thì ngành công an quản lý như thế nào? Ai chịu trách nhiệm giám sát…?
Theo ông Nghị, trước đó ngành công an đã có rất nhiều văn bản bị thu hồi, không khả thi vậy mà không hiểu sao vẫn có những văn bản kỳ lạ được ban hành. Ông lấy ví dụ, từ quy định phạt xe chính chủ, chứng minh thư nhân dân… và bây giờ là dự thảo Thông tư xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông.
Về phía luật sư Nguyễn Bá Ngọc - Văn phòng LS Bắc Giang cũng cho rằng, với quy định mới này thì trước tiên phải khẳng định sẽ giảm được rất nhiều thủ tục hành chính, phiền hà cho người dân.
Tuy nhiên, với giải thích của ngành công an là để giảm tiêu cực, ông Ngọc khẳng định không giảm mà còn tăng lên.
Ông Ngọc lấy ví dụ: Cùng với mức phạt cho lỗi quá tốc độ, nếu là 89 km/h thì khoảng 1,7 triệu, nhưng nếu 91 km/h cây số mức phạt lại là khoảng 2,3 triệu. Nếu được nộp phạt trực tiếp, người vi phạm chỉ cần thỏa thuận chấp nhận đóng mức ở giữa tức là 1,9 hoặc 2 triệu để được đi. Chắc chắn sẽ xảy ra sự thỏa thuận giữa người vi phạm với người thực thi nhiệm vụ để làm sao có lợi nhất cho họ.
“Như vậy, tiêu cực tăng lên, vi phạm dễ dàng được bỏ qua nghĩa là vi phạm tăng lên, tiêu cực nhiều hơn chứ sao lại nói là giảm tiêu cực”, ông Ngọc nói.
Thứ ba, theo ông Ngọc, giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người vi phạm cũng đồng nghĩa với việc ngành công an đang tạo điều kiện cho hành vi vi phạm tái diễn, nguy cơ vi phạm tăng lên.
“Tôi khẳng định, không ai muốn vi phạm giao thông nhưng chắc chắn nguy cơ vi phạm sẽ tăng lên vì người vi phạm sẽ coi thường việc xử lý vi phạm như vậy, người ta sẽ coi đó là hình thức không đủ sức răn đe, tùy tiện, không gây áp lực, thì vi phạm sẽ tăng lên”, ông Ngọc phân tích.
Ông Ngọc cho rằng, mục đích của ngành công an khi đưa ra quy định này thực chất là để tạo điều kiện thuận lợi cho chính họ chứ không phải cho người dân. Vì chính họ nhiều hơn.
Nộp phạt thẳng cho CSGT giảm tiêu cực
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên - Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt (Bộ Công an) cho biết, “quy định này nhằm đơn giản thủ tục hành chính, giúp người vi phạm đỡ phiền hà do phải đi lại nhiều lần nộp tiền phạt”.
Theo ông Tuyên, việc nộp phạt tại kho bạc hiện nay có một số phiền hà do đi lại nhiều lần dễ sinh tiêu cực, xin xỏ, tác động xấu tới lực lượng cảnh sát. “Sự phiền hà này là để giảm tiêu cực cũng như nâng cao tính răn đe đối với người vi phạm”, ông Tuyên nói.
Trả lời báo Đất Việt ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông Bộ GTVT đơn vị cùng tham gia và được Bộ Công An hỏi ý kiến xây dựng Thông tư thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 171/2013 - quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (có hiệu lực từ ngày 1/1/2014) cho biết:
Thông tư hướng dẫn của Bộ Công an hiện nay không phải là mới, chỉ là quy định lại những điều đã được thực hiện.
Tuy nhiên, trước đó để kiểm soát hoạt động, tránh tiêu cực của cảnh sát giao thông, ngành công an đã ra quy định các chiến sĩ khi đi làm nhiệm vụ không được mang quá 100.000 đồng.
Trong khi dự thảo thông tư hướng dẫn của Bộ Công an lại cho phép nộp phạt trực tiếp tức là gần như “khoán trắng cho CSGT”. Lý giải mâu thuẫn này, ông Thuấn cho biết, đó là quy định nội bộ riêng ngành Công an và ông không có bình luận gì.
Trước những lo ngại cho phép nộp phạt trực tiếp là đang tạo điều kiện thuận lợi cho vi phạm tăng lên, ông Thuấn cho rằng, hiểu như vậy là không đúng. Vi phạm mức nào sẽ xử phạt mức đó, không thể bắt người vi phạm vất vả hơn được.
Trả lời câu hỏi của các ĐBQH “làm sao để tránh tình trạng tay phải ghi biên lai, tay trái đút tiền vào túi”?, ông Thuấn lúng túng: “Tôi nhắc lại, quy định này do luật cho phép và được phép thực hiện. Việc chống tiêu cực, tham nhũng là do các cơ quan quản lý”.
Theo Đất Việt