Quy định mới về chức năng của cơ quan thanh tra CAND

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 164/2024/NĐ-CP ngày 25/12/2024 quy định về tổ chức và hoạt động của thanh tra CAND. 

Về chức năng của cơ quan thanh tra CAND, Nghị định 164/2024/NĐ-CP nêu rõ: Trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, cơ quan thanh tra CAND giúp Thủ trưởng Công an cùng cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiến hành thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Đối tượng thanh tra gồm: Cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ Công an.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam có nghĩa vụ chấp hành pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công an.

leftcenterrightdel
 Đoàn thanh tra Bộ Công an công bố quyết định thanh tra chuyên ngành năm 2024 đối với Công an tỉnh Sơn La. (Ảnh Cao Thiên)

Cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam có liên quan đến pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công an.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/2/2025. 

Vi phạm hành chính trong kinh doanh bảo hiểm bị phạt tới 200 triệu đồng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 174/2024/NĐ-CP ngày 30/12/2024 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2025.

Nghị định quy định hành vi vi phạm hành chính, hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; đối tượng bị xử phạt; thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh và thẩm quyền lập biên bản đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, tổ chức, cá nhân bị áp dụng hình thức xử phạt chính là phạt tiền.

Mức xử phạt bằng tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân cho cùng hành vi vi phạm. Mức phạt tiền đối với cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm tối đa là 100 triệu đồng, đối với tổ chức tối đa là 200 triệu đồng.

Giáo viên dạy thêm ngoài trường học phải đăng ký kinh doanh

Thông tư 28/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về thanh tra chuyên ngành đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, có hiệu lực từ ngày 10/2/2025.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ.

Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định: Từ ngày 14/2, giáo viên dạy thêm ngoài trường học phải đăng ký kinh doanh. Theo Điều 6 Thông tư này, khi giáo viên hoặc tổ chức, cá nhân muốn mở cơ sở dạy thêm thì phải thực hiện những yêu cầu sau: Đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật; công khai các nội dung về môn học, thời lượng dạy thêm, địa điểm, hình thức, thời gian dạy thêm, danh sách người dạy, mức thu tiền… tại Cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết công khai tại trụ sở của cơ sở dạy thêm.

Bên cạnh đó, tại Thông tư 30/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, từ ngày 14/2/2025, chỉ tuyển sinh vào lớp 6 theo phương thức xét tuyển và hằng năm chỉ tuyển sinh 1 lần vào cấp THCS. Các tiêu chí xét tuyển sẽ do Sở Giáo dục hướng dẫn cụ thể, bảo đảm xét tuyển công bằng, khách quan, minh bạch, phù hợp tình hình thực tế tại địa phương.

Theo thông tư, từ năm 2025, sẽ có 3 phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT, gồm: Thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Với phương thức thi tuyển, các địa phương thống nhất thực hiện thi 3 môn thi, bài thi, gồm: Toán, Ngữ văn và một môn thi hoặc bài thi thứ ba do Sở GD&ĐT lựa chọn, nhưng không được chọn một môn quá ba năm liên tiếp.

Quy định mới về khám nghiệm hiện trường trong tố tụng hình sự

Ngày 16/12/2024, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư 98/2024/TT-BCA quy định quy trình khám nghiệm hiện trường trong tố tụng hình sự của lực lượng CAND.

Theo đó, Thông tư 98/2024/TT-BCA quy định những việc cần làm trước khi khám nghiệm hiện trường; nội dung, trình tự khám nghiệm hiện trường; thu mẫu so sánh; dựng lại hiện trường; biên bản, tài liệu khám nghiệm hiện trường trong tố tụng hình sự của lực lượng CAND.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên trực tiếp Kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường. (Ảnh minh hoạ)

Về nguyên tắc khám nghiệm hiện trường, Thông tư quy định: Khám nghiệm hiện trường phải tuân thủ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, quy định của Thông tư này và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến công tác khám nghiệm hiện trường.

Nhanh chóng, kịp thời, thận trọng, tỷ mỷ, khách quan, toàn diện, khoa học và chính xác.

Người chủ trì khám nghiệm hiện trường phải phối hợp chặt chẽ với lực lượng khám nghiệm hiện trường và các thành phần tham gia khám nghiệm hiện trường khác, đảm bảo sự chỉ đạo tập trung, thống nhất và phải chịu trách nhiệm chung về kết quả khám nghiệm hiện trường.

Quá trình khám nghiệm hiện trường phải đảm bảo an toàn cho lực lượng khám nghiệm hiện trường và các thành phần tham gia khám nghiệm.

Việc cung cấp thông tin, chuyển giao tài liệu, kết quả công tác khám nghiệm hiện trường phải tuân thủ các quy định của pháp luật và ngành Công an.

Thông tư 98/2024/TT-BCA có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/2/2025.

P.V