Chiều 10/7, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Phá sản, Luật Đầu tư công, Luật Hải quan, Luật Bảo vệ môi trường, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa và Nghị quyết về việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay.
Các Luật được thông qua tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII và có hiệu lực từ 1/1/2015.
Bảo toàn tài sản trong quá trình giải quyết phá sản
Luật Phá sản gồm 14 Chương, 133 Điều, quy định trình tự, thủ tục nộp đơn, thụ lý và mở thủ tục phá sản; xác định nghĩa vụ về tài sản và biện pháp bảo toàn tài sản trong quá trình giải quyết phá sản; thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh; tuyên bố phá sản và thi hành quyết định phá sản. Luật áp dụng khi giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
Luật Phá sản được áp dụng khi giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã đã được thành lập trên lãnh thổ Việt Nam. Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định luật này thì áp dụng theo điều ước quốc tế đó.
Luật quy định rõ về tiêu chí xác định doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Luật cũng quy định cá nhân doanh nghiệp được hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trong quá trình giải quyết phá sản gồm: quản tài viên và doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản; trình tự giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản; thẩm quyền giải quyết phá sản của Tòa án Nhân dân...
Khắc phục tình trạng đầu tư giàn trải, lãng phí, kém hiệu quả trong đầu tư công
Luật Đầu tư công được kết cấu thành 6 Chương, 108 Điều. Phạm vi điều chỉnh Luật quy định việc quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư công. Các tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công thuộc đối tượng áp dụng của Luật.
Việc thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư là nội dung mới quan trọng nhất của Luật Đầu tư công. Đó là điểm khởi đầu quyết định tính đúng đắn, hiệu quả của chương trình, dự án theo đúng các mục tiêu, định hướng, kế hoạch, quy hoạch và chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước; ngăn chặn sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí và đơn giản trong việc quyết định chủ trương đầu tư, nâng cao trách nhiệm của người ra quyết định chủ trương đầu tư; góp phần khắc phục tình trạng đầu tư giàn trải, lãng phí, kém hiệu quả trong đầu tư công.
Luật cũng tăng cường công tác theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công. Đây là lần đầu tiên công tác theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư và các chương trình, dự án đầu tư công, đặc biệt các quy định về giám sát cộng đồng được chế định cụ thể trong luật một cách chặt chẽ, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đổi mới toàn diện hoạt động hải quan
Quan điểm xuyên suốt trong quá trình xây dựng Luật Hải quan là đổi mới toàn diện hoạt động hải quan thông qua tạo điều kiện áp dụng quản lý hải quan hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần bảo vệ lợi ích chủ quyền và an ninh quốc gia; góp phần thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao sức cạnh tranh trong nước và quốc tế của các doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Với 8 Chương, 104 Điều, những nội dung mới của Luật được chia thành 4 nhóm vấn đề: Nhóm vấn đề về cải cách thủ tục hải quan, hiện đại hóa quản lý hải quan, nội luật hóa các cam kết quốc tế đáp ứng yêu cầu hội nhập và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Nhóm vấn đề về nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động của hoạt động quản lý hải quan; tăng cường công tác bảo vệ an ninh quốc gia và an ninh kinh tế nhằm phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại.
Nhóm vấn đề sửa đổi, bổ sung những quy định trong Luật hiện hành để bảo đảm tính thống nhất, khả thi của pháp luật hải quan, phù hợp với văn bản pháp luật có liên quan và thực tế hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu. Nhóm vấn đề liên quan đến kiện toàn hệ thống tổ chức hải quan.
Gắn bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế, an sinh xã hội
Quy hoạch bảo vệ môi trường là một nội dung mới được bổ sung trong Luật Bảo vệ môi trường. Quy hoạch môi trường sẽ giúp Việt Nam có cách nhìn tổng thể, dài hạn và chủ động triển khai công tác bảo vệ môi trường, thực sự gắn bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế, an sinh xã hội và là cơ sở để điều chỉnh hoặc xây dựng các quy hoạch phát triển khác, bảo đảm phát triển bền vững.
Luật có một Chương quy định về bảo vệ môi trường biển và hải đảo nhằm đảm bảo tính thống nhất và toàn diện. Chương này chỉ quy định những nội dung cơ bản, có tính nguyên tắc, không có sự trùng lắp với những nội dung dự kiến được xây dựng trong Luật bảo vệ tài nguyên và môi trường biển do Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng.
Luật cũng có Chương riêng về ứng phó với biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang là vấn đề thách thức, ảnh hưởng lớn đến toàn cầu trong đó có Việt Nam. Việc quy định Chương riêng này là để đáp ứng các yêu cầu cấp thiết về ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay, thể chế hóa một số Nghị quyết của Đảng về nội dung này. Luật gồm 20 Chương, 170 Điều.
Phát triển cơ cấu hạ tầng giao thông vận tải đường thủy nội địa hiện đại, đồng bộ
Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa bổ sung quy định về nguyên tắc phát triển giao thông đường thủy nội địa. Trong đó, Luật quy định: phát triển giao thông đường thủy nội địa phải phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải, bảo đảm quốc phòng anh ninh; phát triển cơ cấu hạ tầng giao thông vận tải đường thủy nội địa theo hướng hiện đại, đồng bộ về luồng, tuyến, cảng, bến, công nghệ quản lý, xếp dỡ hàng hóa; bảo đảm an toàn giao thông, phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển vận tải đường thủy nội địa phải kết nối đồng bộ với các phương thức vận tải khác.
Hoạt động tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa là hoạt động mang tính chất nhân đạo, bắt buộc các tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực hiện. Do đó, Luật sửa đổi, bổ sung đã bổ sung 4 điều quy định cụ thể về tìm kiếm cứu nạn giao thông đường thủy nội địa; nguyên tắc hoạt động tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi xảy ra tại nạn giao thông đường thủy nội địa và các bảo đảm điều kiện cho hoạt động tìm kiếm, cứu hộ giao thông đường thủy nội địa.
Đáp ứng nhu cầu, quy hoạch phát triển của ngành hàng không Việt Nam
Nghị quyết về việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ bảy thông qua ngày 24/6/2014.
Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay xây dựng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tài trợ vốn và cho thuê các trang thiết bị tàu bay một cách hiệu quả, đem lại lợi ích kinh tế cho các quốc gia thành viên, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển; tạo khuôn khổ pháp lý để bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ tại các quốc gia thành viên, cũng như khuyến khích việc cấp tín dụng và tạo điều kiện cho việc tiếp cận nguồn vay ưu đãi của các hãng hàng không.
Việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town là điều kiện để các hãng hàng không Việt Nam được hưởng các ưu đãi từ quốc gia sản xuất tàu bay, các tổ chức tín dụng, đáp ứng nhu cầu, quy hoạch phát triển của ngành hàng không Việt Nam và sự phát triển kinh tế.../.
Theo TTXVN/Vietnam+