Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, Luật Đầu tư công năm 2019 được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2019 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2020. Cùng với nhiều kết quả đạt được trong quá trình thi hành, việc thực hiện Luật Đầu tư công năm 2019 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trong thời gian qua cũng bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể như, việc phân cấp, phân quyền còn chưa triệt để, một số trình tự, thủ tục còn phải trình, báo cáo qua nhiều cấp, gây mất thời gian và ảnh hưởng đến tiến độ triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Bên cạnh đó, một số nội dung còn chồng chéo, chưa được quy định cụ thể hoặc còn có nhiều cách hiểu đối với cùng một nội dung, gây lúng túng cho các bộ, cơ quan và địa phương trong quá trình triển khai như các trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, định nghĩa nợ đọng xây dựng cơ bản, phạm vi dự án sử dụng vốn đầu tư công và nhiệm vụ sử dụng chi thường xuyên, quy định về thẩm quyền kéo dài thời gian bố trí vốn, kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đối với vốn từ nguồn thu hợp pháp của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư...
Ngoài ra còn một số tồn tại, hạn chế phát sinh trong quá trình triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
|
|
Quang cảnh buổi làm việc giữa lãnh đạo VKSND tối cao với các đơn vị về thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trong ngành Kiểm sát nhân dân. (Ảnh minh hoạ) |
Về mục đích, theo cơ quan chủ trì xây dựng, Luật Đầu tư công (sửa đổi) sẽ tiếp tục thể chế hóa các nội dung đã được Đại hội Đảng, Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị quyết nghị liên quan đến việc sửa đổi, ban hành các chính sách về đầu tư công nhằm đáp ứng yêu cầu về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới, trên cơ sở kế thừa, phát huy những ưu điểm, kết quả đạt được của Luật Đầu tư công năm 2019, khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.
Luật Đầu tư công (sửa đổi) sẽ nghiên cứu để thể chế hóa một số nội dung thí điểm trong thời gian vừa qua đã phát huy hiệu quả, đồng thời bổ sung quy định cụ thể cho một số đối tượng, nguồn vốn đầu tư công phát sinh thực tế trong quá trình triển khai nhưng chưa có quy định để điều chỉnh cụ thể, phù hợp với tính chất và yêu cầu quản lý đối với các đối tượng, nguồn vốn này.
Luật Đầu tư công (sửa đổi) hướng đến việc tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với đơn giản hóa trình tự, thủ tục, phát huy tính linh hoạt, chủ động, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý và thực hiện kế hoạch đầu tư công nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công.
Đề nghị xây dựng Luật đề cập đến 5 chính sách gồm: Chính sách 1: Tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; phát huy các ưu điểm của Luật Đầu tư công năm 2019, không gây xáo trộn trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, luật hóa các chính sách đặc thù thí điểm đã phát huy hiệu quả trong thời gian vừa qua.
Chính sách 2: Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với cắt giảm thủ tục hành chính, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy tính linh hoạt, chủ động của các cấp, các ngành trong quản lý và thực hiện kế hoạch đầu tư công phù hợp với năng lực quản lý và thực tế, tiếp tục chuyển đổi phương thức quản lý theo hướng tiền kiểm sang hậu kiểm.
Chính sách 3: Đa dạng hóa các hình thức, phương thức quản lý, thực hiện dự án phù hợp với thực tế và năng lực triển khai, huy động tối đa năng lực quản lý và nguồn lực của địa phương, các thành phần kinh tế khác trong thực hiện dự án đầu tư công.
Chính sách 4: Quy định rõ một số nội dung còn phát sinh cách hiểu khác nhau và bổ sung một số quy định trong Luật.
Chính sách 5: Quy định một số nội dung đặc thù đối với dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài nhằm thúc đẩy việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn.