Bộ Tư pháp đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, hiện nay, việc xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển việc cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến để thúc đẩy cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Để nâng cao hiệu quả trong giải quyết thủ tục hành chính, Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 6/12/2021 của Chính phủ); Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 về thủ tục hành chính trên môi trường mạng, trong đó có hoạt động cấp Phiếu lý lịch tư pháp, theo đó bên cạnh việc trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính bản giấy, cơ quan giải quyết thủ tục hành chính có thể trả kết quả thủ tục hành chính bản điện tử.

Một số văn bản ban hành gần đây như Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật Phí, Lệ phí… có quy định mới có liên quan đến công tác lý lịch tư pháp đòi hỏi phải hoàn thiện để nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.

Bên cạnh đó, phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 111/2010/NĐ-CP là: “quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành khoản 2 Điều 11 về tổ chức của Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia; Điều 14 về bảo vệ và lưu trữ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; Điều 56 về tra cứu, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp có trước ngày Luật Lý lịch tư pháp có hiệu lực để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, cấp Phiếu lý lịch tư pháp và một số nội dung khác của Luật Lý lịch tư pháp”. Vì vậy, Nghị định số 111/2010/NĐ-CP là văn bản quy phạm pháp luật có ý nghĩa quan trọng, tạo bước thuận lợi lớn cho việc triển khai, thực hiện các quy định của Luật Lý lịch tư pháp và tạo cơ sở pháp lý để triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trên toàn quốc có hiệu quả. 

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ.

Về bố cục, dự thảo Nghị định gồm 2 điều, trong đó có nhiều nội dung mới. Cụ thể, theo quy định Luật Phí và lệ phí năm 2015, dự thảo Nghị định đã sửa đổi quy định về việc giao Bộ trưởng Bộ Tài chính có thẩm quyền quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp.

Để bảo đảm thực hiện quy định về việc điện tử hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức, dự thảo đã bổ sung quy định về mẫu Phiếu lý lịch tư pháp điện tử theo hướng giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định, hướng dẫn về mẫu Phiếu lý lịch tư pháp điện tử.

Bên cạnh đó, nhằm tháo gỡ khó khăn cho công tác lưu trữ hồ sơ cấp Phiếu lý lịch tư pháp của địa phương và phù hợp với thực tiễn hiện nay trong việc số hóa giấy tờ, hồ sơ yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính, dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định về hồ sơ cấp Phiếu lý lịch tư pháp điện tử; giá trị của hồ sơ cấp Phiếu lý lịch tư pháp điện tử; thời hạn lưu trữ hồ sơ cấp Phiếu lý lịch tư pháp bằng giấy và hồ sơ cấp Phiếu lý lịch tư pháp điện tử.

Trong phối hợp xác minh về hành vi phạm tội mới, đối với trường hợp người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung và các quyết định của bản án, đã đủ thời gian để đương nhiên được xóa án tích, dự thảo Nghị định đã sửa đổi theo hướng cơ quan Viện kiểm sát, Tòa án, Công an, Quốc phòng... là cơ quan phối hợp tra cứu, xác minh với Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp về việc người đó có hành vi phạm tội mới hay không.

Trên cơ sở kết quả tra cứu, xác minh thông tin, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp thực hiện cập nhật vào lý lịch tư pháp của người bị kết án “đã được xóa án tích” hoặc “có án tích” theo đúng quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Thực hiện chủ trương về việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp, tiếp nhận thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp, dự thảo Nghị định đã chỉnh lý theo hướng bổ sung dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử bao gồm cả thông tin lý lịch tư pháp được trao đổi, cung cấp, tiếp nhận, xử lý và lưu trữ dưới dạng điện tử. 

Mặt khác, dự thảo Nghị định quy định cụ thể nơi tra cứu đối với các trường hợp tại khoản 3 Điều 24 Nghị định số 111/2010/NĐ-CP là Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp nơi thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp.  

Đồng thời, đảm bảo độ chính xác khi cấp Phiếu lý lịch tư pháp cũng như giảm thời gian cấp Phiếu lý lịch tư pháp, phù hợp với tiến trình cải cách hành chính hiện nay, dự thảo Nghị định đã sửa đổi Điều 25 Nghị định số 111/2010/NĐ-CP về quy trình, trách nhiệm tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp theo hướng Sở Tư pháp gửi hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp dưới dạng điện tử tới 03 cơ quan: Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, cơ quan hồ sơ nghiệp vụ Bộ Công an và Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an tỉnh để tra cứu, xác minh thông tin. Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia có nhiệm vụ tổng hợp với thông tin tra cứu trong Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp để trả kết quả cho Sở Tư pháp.

Ngoài ra, để đảm bảo lợi ích của người dân, phù hợp với nguyên tắc có lợi cho đương sự, đồng thời nhằm đưa ra nguyên tắc giúp cho Sở Tư pháp xác định được tình trạng án tích trong trường hợp kết quả tra cứu, xác minh tại các cơ quan có liên quan là không có thông tin, dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định việc thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp và Sở Tư pháp xác nhận tình trạng án tích cho người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên cơ sở thông tin đã có (kết quả tra cứu tại Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, kết quả trả lời của một số cơ quan liên quan, các thông tin do người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp cung cấp...) và nội dung cam kết của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp tại Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

P.V