Nghị quyết nêu rõ, tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2024, Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với 8 nội dung: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); dự án Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; đề nghị xây dựng Luật Đầu tư công (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật của Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ Quốc gia; việc điều chuyển Trường Cao đẳng nghề số 1 - Bộ Quốc phòng, Trường Cao đẳng nghề số 4 - Bộ Quốc phòng và Trường Cao đẳng nghề số 20 - Bộ Quốc phòng trực thuộc Bộ Quốc phòng về trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Đồng thời, tại Phiên họp, Chính phủ cũng tiếp tục thảo luận, cho ý kiến đối với 3 nội dung: Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; dự án Luật Nhà giáo; dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Chính phủ đánh giá cao Bộ Quốc phòng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng dự án Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thống nhất sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam trong đó có xây dựng đội ngũ sĩ quan; sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục vướng mắc, bất cập, bảo đảm phù hợp thực tiễn.
Chính phủ đề nghị Bộ Quốc phòng nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến các Thành viên Chính phủ theo hướng: Tiếp tục bám sát và thể hiện rõ các chính sách đã được Chính phủ thông qua của Đề nghị xây dựng Luật; rà soát kỹ lưỡng về thẩm quyền, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan; tăng cường phân cấp, phân quyền, đơn giản các thủ tục thực hiện, tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện dự án Luật.
Về thẩm quyền quy định cụ thể vị trí có cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng và cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng của đơn vị thành lập mới, đơn vị được tổ chức lại: Báo cáo rõ và đề nghị Quốc hội phân cấp thẩm quyền này cho Chính phủ.
Đối với dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Chính phủ yêu cầu cần xây dựng quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt bám sát nguyên tắc định hướng tiêu dùng vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế nhưng phải đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân, không khuyến khích tiêu dùng một số mặt hàng, dịch vụ xa xỉ trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam.
|
|
Quang cảnh Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật ngày 27/8/2024. (Ảnh: TTXVN) |
Việc tăng thuế đối với một số mặt hàng như rượu bia, thuốc lá... cần đi đôi với cơ chế hiệu quả phòng, chống buôn lậu, trốn thuế, có các công cụ để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật liên quan. Các quy định điều chỉnh thuế suất đối với một số mặt hàng, dịch vụ cụ thể như phòng tập thể thao điện tử; điều hòa dân dụng, phương tiện giao thông có cơ chế vận hành hoặc sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường; xe ô tô bán tải phục vụ sản xuất, kinh doanh… cần được bổ sung giải trình, thuyết minh có đầy đủ căn cứ để bảo đảm tính đồng bộ, khả thi. Lộ trình tăng thuế cần tính toán hợp lý, bảo đảm sự vận hành của doanh nghiệp, tránh gây đứt gãy hoạt động kinh tế - xã hội.
Cần rà soát, tổng kết và nghiên cứu để Luật có thể giao Chính phủ quy định một số mặt hàng thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp với biến động nhanh chóng của thị trường hoặc nhu cầu xã hội, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước một cách linh hoạt, bảo đảm bao quát, không bỏ lọt các mặt hàng chịu thuế.
Đối với một số nội dung được sửa đổi, bổ sung như xác định giá tính thuế, hoàn thuế, khấu trừ thuế… cần được đánh giá kỹ lưỡng để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính đồng thời có quy định về chuyển đổi số nhằm bảo đảm sự minh bạch, hiệu quả, đồng bộ trong hoạt động quản lý nhà nước.
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục chủ động đánh giá, rà soát, lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức liên quan, địa phương, hiệp hội, chuyên gia và doanh nghiệp, người dân để bảo đảm xây dựng các quy định phù hợp thực tiễn. Chú trọng công tác truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận với các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung.
Về dự án Luật Nhà giáo, Chính phủ thống nhất về sự cần thiết phải xây dựng Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nhà giáo được nêu tại các Văn kiện của Đảng; khắc phục các hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bất cập về thể chế, pháp luật trong hoạt động quản lý, phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; bảo đảm tính kế thừa, tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Nhà giáo với các luật khác có liên quan.
Trong đó, dự án Luật cần làm rõ đặc điểm nghề nghiệp của nhà giáo theo từng cấp học, trình độ đào tạo và phương thức đào tạo có tính đến yếu tố đặc thù trong từng lĩnh vực để làm căn cứ quy định chính sách phù hợp; cần phân cấp, phân quyền mạnh trong hệ thống cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực.
Ngoài các nội dung trên, Nghị quyết còn quyết nghị các nội dung liên quan đến dự án Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi); dự án Luật Công nghiệp công nghệ số; đề nghị xây dựng Luật Đầu tư công (sửa đổi)…