“Cùng với việc tạo điều kiện cho người nước ngoài nhập cảnh vào nước ta học tập, công tác, du lịch, lao động…, cũng cần có những quy định cụ thể, rõ ràng để đảm bảo yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự và an toàn xã hội”. Đó là ý kiến của nhiều đại biểu về dự thảo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.


Ông Trần Văn Quang, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, nhận định: “Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Người nước ngoài khi du lịch, hợp tác đầu tư, kinh doanh, học tập, lao động… được thuận lợi hơn. Nhưng thực tiễn quản lý cho thấy có một số quy định còn chưa thống nhất, như thị thực cấp có thời hạn không quá 12 tháng, trong khi Luật Đầu tư năm 2005 quy định thời hạn tối đa 5 năm”.

Thượng tá Nguyễn Hải Nam, Phó trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, cho rằng thời gian chứng nhận tạm trú nên bằng với thị thực để tránh chồng chéo, “vênh” với các luật khác, như: Luật Lao động, Luật Đầu tư…

Thượng tá Nam nói thêm: “Tại Điều 28, quy định về thẩm quyền tạm hoãn xuất cảnh, giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh, trong đó khoản 1 và 2 ghi: Thủ trưởng cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện Kiểm sát, Chánh án Tòa án, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án hình sự, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự, Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế, nhưng lại không nêu rõ thuộc cấp nào giải quyết. Điều này sẽ gây khó khăn trong thực hiện…”.

Bàn về vấn đề này, luật sư Nguyễn Bình An (Hội Luật gia tỉnh) nêu ý kiến: “Đối với khoản 1, Điều 27 quy định, trường hợp người nước ngoài là bị đơn trong các vụ án tranh chấp về dân sự, kinh tế, lao động…, đều là những vụ việc dân sự, việc tạm hoãn xuất cảnh cũng phải tuân thủ các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành. Theo Điều 100 của Bộ luật Tố tụng dân sự, người có thẩm quyền ra quyết định tạm cấm xuất cảnh là thẩm phán thụ lý vụ án nếu phiên tòa chưa được mở, hoặc hội đồng xét xử. Như vậy, Bộ luật Tố tụng dân sự không quy định chánh án có thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh”.

Thông thoáng nhưng phải hợp lý

Nhấn mạnh tầm quan trọng của dự thảo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú liên quan chặt chẽ đến những vấn đề hội nhập quốc tế góp phần phát triển kinh tế của nước ta, đồng chí Trần Văn Tư, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đề nghị dù thông thoáng trong vấn đề tạo điều kiện cho các nhà đầu tư và tìm kiếm cơ hội kinh doanh, nhưng khi ban hành luật phải hợp lý, rõ ràng, đáp ứng được yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự và an toàn xã hội.

“Cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm của các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác quản lý cư trú của người nước ngoài…; thiết lập cơ chế phối hợp và cung cấp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng trong việc quản lý người nước ngoài cư trú tại Việt Nam theo hướng tập trung vào đầu mối là Bộ Công an” - đồng chí Trần Văn Tư nói.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc Công an tỉnh, đề nghị xem lại điều kiện cấp thị thực quy định tại Điều 10 dự thảo luật: “Người nước ngoài phải chứng minh về tài chính”. Đây là điều kiện cần thiết để hạn chế một cách hiệu quả nhất người nước ngoài lang thang tìm việc, hay không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính trước khi rời khỏi Việt Nam.

Thiếu tướng Khánh cho hay: “Người nước ngoài, chủ yếu từ các nước châu Phi sang du lịch rồi ở lại bất hợp pháp, đang có xu hướng đổ bộ về Đồng Nai. Ngoài ra, ở khu vực hồ Trị An (huyện Vĩnh Cửu) người Campuchia không có giấy tờ tùy thân cũng rất nhiều, chúng ta cần phải “siết” chặt quản lý để giữ vững trật tự an ninh”.
 

Theo Báo Đồng Nai

.