Theo phản ánh của chị Nguyễn Thị Hương, (SN: 1988, trú tại thôn Minh Khai, xã Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), vợ chồng chị làm nghề tái chế sản xuất hạt nhựa. Ngày 12/10/2022 có người đàn ông tên là Đức Vũ trên Facebook gọi điện thoại hỏi mua hạt nhựa PE trắng của chị và hai bên có trao đổi giá cả. Ngày 14/10/2022 Vũ hỏi mua của chị 1 bao 40kg hạt nhựa mẫu PE trắng với giá 25.000đ/1kg và cho xe ôm vào chở mẫu. Sau khi chị giao mẫu hàng cho xe ôm xong thì Vũ có chuyển vào số tài khoản của chị số tiền 1 triệu đồng. Vũ nói là sau khi nhận thử mẫu hạt đạt, nếu đạt tiêu chuẩn thì sẽ đặt đơn hàng của chị với số lượng lớn hơn.

leftcenterrightdel
 Số hàng hoá của chị Hương hiện đang nằm trong kho của người khác.

Khoảng 9h sáng ngày 16/10/2022, Vũ tiếp tục gọi điện đặt hàng của chị số lượng 292 bao hạt nhựa PE với tổng trọng lượng là 11.680kg (số tiền là 292 triệu đồng). Vũ bảo chị thuê xe chở hàng qua Lương Tài - Bắc Ninh để nhận hàng. Chị Hương đã thuê xe dưới Hải Phòng để chở hàng. Sau khi xếp hàng xong chị có nhắn tin với Vũ là chuyển tiền cho chị thì Vũ nói là sẽ thanh toán tiền ngay sau khi giao hàng xong.

Trong khi chị và lái xe đang đi giao hàng thì Vũ gọi Facebook nói là nhờ được kho ở trên Như Quỳnh và yêu cầu chị cho xe quay lại sẽ có người nhận hộ hàng. Vũ cho chị số điện thoại tên người nhận hộ hàng tên là Sao. Sau đó, chị có gọi điện cho Sao để xác minh Sao có phải là người nhận hàng hộ Vũ không thì Sao nói là “Vâng” và Sao bảo chị cho xe đến gần chỗ trạm cân Trung Sơn. 

Sau khi xác nhận cuộc gọi của Sao xong chị gọi cho lái xe quay lại và chở hàng đến địa điểm giao hàng vào lúc 15h17’. Sao ra đón và nhận hàng của chị với số lượng như đã thống nhất với Vũ là 292 bao. Tuy nhiên sau khi nhận hàng Sao đã không kí nhận là đã nhận hàng của chị. 

Khi xuống hàng xong chị bảo Vũ chuyển tiền cho chị, Vũ bảo chờ để kế toán chuyển, đến 16h30′ do nóng ruột chưa nhận được tiền nên chị đã đến chỗ xưởng giao hàng nói chuyện với Sao, trong lúc ngồi nói chuyện chị vẫn nhắn tin bảo Vũ chuyển tiền cho mình. Đến 17h17’ do chưa thấy tiền về tài khoản của mình nên chị có nói chuyện với Sao về việc Vũ chưa chuyển tiền nên chị sẽ gọi xe vào mang hàng về. Lúc đó Sao nói là mình mua hàng của Vũ và đã thanh toán tiền cho Vũ và không cho chị mang hàng về. 

leftcenterrightdel
 Hàng hoá là các bao hạt nhựa PE trị giá gần 300 triệu đồng của vợ chồng chị Hương hiện không thể lấy lại được.

Trước sự việc này, nghi ngờ mình bị lừa đảo chiếm đoạt số hàng hoá trên, 19h ngày 16/10/2022 chị và Sao đã xuống trình báo sự việc cho cơ quan Công an huyện Văn Lâm. Công an huyện Văn Lâm đã tiếp nhận lời trình bày của chị. Hôm sau (ngày 17/10/2022) chị đã làm đơn gửi cơ quan Công an huyện Văn Lâm. Trong đơn chị đã cung cấp tất cả số điện thoại của những người liên quan như: Vũ, xe ôm, xe chở hàng, người nhận hàng, biển số xe...

Cơ quan Công an huyện Văn Lâm cũng đã tiếp nhận đơn của chị tuy nhiên do không thấy cán bộ về hiện trường để xác minh vụ việc, nên trong ngày 18/10/2022, chị tiếp tục nhiều lần xuống cơ quan Công an huyện Văn Lâm để cầu cứu. 

Nhận được thông tin mà người dân phản ánh, phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật đã liên hệ và được lãnh đạo Công an huyện Văn Lâm cho biết, Công an huyện đã tiếp nhận, hiện đang xác minh làm rõ vụ việc.

Trong khi đó, vì lo sợ hàng của mình bị di chuyển đi khỏi hiện trường, bị tẩu tán, vợ chồng chị từ ngày 16/10 đến nay, 24/24 giờ phải túc trực ngày đêm và nhờ người túc trực ở chỗ để hàng. Từ sự việc trên, chị Hương cho rằng, các đối tượng đã lên sẵn kế hoạch, có dấu hiệu lừa đảo có tổ chức nhằm chiếm đoạt tài sản là số hàng hoá trị giá gần 300 triệu đồng của vợ chồng chị. Chị chỉ mong cơ quan Công an nhanh chóng có biện pháp để đảm bảo số hàng hoá trên không bị bất kỳ ai di chuyển, tẩu tán bởi từ 16/10 đến sáng nay (20/10) chị vẫn chưa thấy cán bộ nào đến hiện trường kho hàng để xác minh vụ việc nên càng thêm lo lắng.

leftcenterrightdel
 Vợ chồng chị Hương phải trải chiếu túc trực trước kho hàng vì sợ hàng hoá của mình bị di chuyển, tẩu tán.

Đây có thể nói là một hình thức lừa đảo mới rất cần cơ quan Công an vào cuộc xác minh, làm rõ hành vi của các đối tượng và xử lí nghiêm theo quy định của pháp luật, nhằm góp phần răn đe và phòng ngừa tội phạm.

Cũng với hình thức này, thời gian qua, đã có nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội Facebook để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác. Gần đây nhất, ngày 16/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hải Dương đã đề nghị truy tố bị can Ngô Văn Phương (SN 2000, trú tại thôn Nhật Tiến 1, xã Liên Châu, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo đó, đối tượng này đã lên Facebook tìm hiểu những người có nhu cầu mua hàng như: khẩu trang, dầu ăn, bia, nước ngọt… sau đó,  đối tượng sử dụng sim rác để liên lạc với họ, chào bán các mặt hàng trên với giá rẻ hơn giá thị trường.

Để tạo lòng tin với các đại lý bán hàng thật, Phương chuyển tiền đặt cọc trước, sau đó hẹn với đại lý địa điểm giao hàng (là địa chỉ của những người bị Phương lừa). Khi bị hại thấy hàng chuyển đến, kiểm tra đủ số lượng thì chuyển khoản toàn bộ tiền hàng cho Phương.

Ngay sau khi nhận tiền, Phương thoát khỏi Zalo, tháo sim rác vứt đi rồi chiếm đoạt số tiền đó. Các đại lý sau khi đã giao hàng xong nhưng không nhận được tiền nên đã làm đơn trình báo cơ quan Công an.

Theo kết quả điều tra của cơ quan Công an, cùng với thủ đoạn trên, trong khoảng thời gian từ tháng 11/2020 đến tháng 2/2022, đối tượng này đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 4,1 tỉ đồng của 9 bị hại tại nhiều tỉnh, thành phố như Hải Dương, Vĩnh Phúc, TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

P.V