Chiều 28/10/2022, Thời báo Tài chính Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn Bất động sản 2022 với chủ đề "Nguồn cung thị trường bất động sản TP HCM: Những vấn đề thực tiễn cần tháo gỡ".

leftcenterrightdel
 Những thực tiễn cần tháo gỡ cho thị trường bất động sản TP HCM.

Tại diễn đàn, các chuyên gia cho rằng thị trường bất động sản TP HCM đang gặp khó vì nhiều lý do.

Theo ông Võ Hồng Thắng - Phó Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển (R&D) DKRA Group nhận định, trên thị trường bất động TP HCM nguồn cung sản phẩm không chỉ thiếu mà còn bất cân xứng. Điển hình là phân khúc căn hộ hạng A có mức giá từ 60 triệu đồng/m2 (bao gồm VAT) liên tục chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số nguồn cung mới, dao động từ 50% - 60% giai đoạn 2019 - 2021, chiếm 3/4 tổng nguồn cung mở bán trong 9 tháng đầu năm 2022.

Theo ông Thắng, để giải quyết vấn đề lệch pha cung cầu và gia tăng nhà ở vừa túi tiền, nhà thu nhập thấp, NOXH, cần có những giải pháp cụ thể và đồng bộ. Trong đó, cần triển khai chương trình nhà ở quốc gia mang tính dài hơi và đồng bộ, đẩy nhanh việc sửa đổi các quy định pháp luật liên quan và bổ sung quỹ đất xây dựng NOXH, nhà ở thu nhập thấp độc lập tương tự các nước phát triển.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần xây dựng hành lang pháp lý xét duyệt đối tượng được mua NOXH, nhà ở thu nhập thấp phù hợp với đặc thù kinh tế của từng khu vực, địa phương và vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp, người mua tiếp cận với nguồn vốn vay có lãi suất ưu đãi cần được quan tâm xúc tiến.

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) cho hay, so với năm 2017 là năm thị trường bất động sản tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua, thì từ 2018 đến nay đã xuất hiện rõ rệt tình trạng lệch pha “cung-cầu”, sụt giảm nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là nhà ở vừa túi tiền.

Ông Châu cho biết, nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên là bởi thị trường BĐS đang trong giai đoạn "căng thẳng" do các vướng mắc về thể chế pháp luật. Sức mua sụt giảm do “tổng cầu có khả năng thanh toán” sụt giảm làm cho “tính thanh khoản” của thị trường và của các chủ đầu tư dự án bất động sụt giảm mạnh. Điều bất ngờ là, mặc dù nguồn cung bất động giảm mạnh do nhiều yếu tố nêu trên, song trên thực tế, thị trường vẫn “sinh sôi” các dự án thiên về phân khúc nhà ở cao cấp và rất thiếu nhà ở giá vừa túi tiền.

Theo GS.TSKH. Đặng Hùng Võ (Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường), về “Hoàn thiện pháp lý để thị trường bất động sản phát triển bền vững” từ 2018 đến 2020, Thủ tướng Chính phủ đã bốn lần đặt yêu cầu sửa đổi Luật Đất đai 2013. Lần thứ nhất là sửa đổi để phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao. Lần thứ hai là sửa đổi để tạo khung pháp lý phù hợp cho phát triển các BĐS du lịch, nghỉ dưỡng kiểu mới. Lần thứ ba là sửa đổi để khắc phục các khoảng trống pháp luật nhằm tạo điều kiện phê duyệt các dự án phát triển BĐS nhà ở. Lần thứ tư là sửa đổi để chấn chỉnh tình trạng nhiều công ty, cá nhân nước ngoài có BĐS đứng tên người Việt Nam tại những vị trí nhạy cảm về quốc phòng, an ninh.

Ông Võ cho rằng, có tình trạng cán bộ quản lý nhà nước ở một số địa phương ngại phê duyệt dự án, bởi những tai nạn trong quản lý rất dễ xảy ra khi hệ thống pháp luật liên quan đến bất động sản vẫn còn chồng chéo.

“Chúng ta sửa rất nhiều luật, nhưng hệ thống pháp luật vẫn còn nhiều điểm khuyết. Và khi có vấn đề khó thì thường sử dụng những từ ngữ chung chung, khó hiểu.. khiến người thực hiện mỗi nơi hiểu một cách… Do lo sợ tai nạn quản lý nên các nhà quản lý có nhiệm vụ phê duyệt dự án ‘gác bút’, khiến nguồn cung mới trên thị trường bất động sản ngày càng ít”, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ cho hay.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, phân khúc nhà ở xã hội, cần phải thay đổi cơ chế phát triển nên có chỉnh sửa nhất định để chuyển thành nhà ở thương mại giá rẻ, dùng cơ chế thị trường để chủ đầu tư có nguồn tiền phát triển dự án./.

Đại Lánh