Các hành vi tham nhũng bị nghiêm cấm

Theo quy định tại Điều 8 Luật phòng chống tham nhũng 2018 có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, các hành vi bị nghiêm cấm gồm:

Các hành vi tham nhũng quy định tại Điều 2 của Luật này;

Đe dọa, trả thù, trù dập, tiết lộ thông tin về người phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng;

Lợi dụng việc phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng để vu khống cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác;

Bao che hành vi tham nhũng; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc phát hiện, xử lý tham nhũng và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng quy định tại Mục 2 Chương IX của Luật này.

Theo đó, các hành vi tham nhũng bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 2 Luật phòng chống tham nhũng 2018 như sau:

1. Các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm:

a) Tham ô tài sản;

b) Nhận hối lộ;

c) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;

đ) Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi;

g) Giả mạo trong công tác vì vụ lợi;

h) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi;

i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi;

k) Nhũng nhiễu vì vụ lợi;

l) Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;

m) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.

2. Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm:

a) Tham ô tài sản;

b) Nhận hối lộ;

c) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.

Người có chức vụ, quyền hạn gồm những ai?

Theo Luật Phòng chống tham nhũng 2018, Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó, bao gồm:

Cán bộ, công chức, viên chức;

Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;

Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức;

Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.

GIỚI THIỆU LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG 2018

Ngày 20/11/2018, Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng số 36/2018/QH14. Luật có 10 chương, 96 điều, thay thế cho Luật phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 01/2007/QH12 và Luật số 27/2012/QH13.

Luật quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm về phòng, chống tham nhũng với nhiều nội dung đáng chú ý. Theo đó, tài sản, thu nhập phải kê khai gồm:

- Quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng;

- Kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên;

- Tài sản, tài khoản ở nước ngoài;

- Tổng thu nhập giữa 2 lần kê khai.

Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập gồm:

- Cán bộ, công chức;

- Sĩ quan Công an nhân dân, sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp;

- Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong các đơn vị sự nghiêp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

- Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Phương thức kê khai gồm kê khai lần đầu, kê khai bổ sung, kê khai hằng năm và kê khai phục vụ công tác cán bộ.
Luật này có hiệu lực từ ngày 1/7/2019.

Mời bạn đọc xem chi tiết Luật phòng chống tham nhũng 2018 tại đây: Luật số 36/2018/QH14

Thế Đức