Cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết, Luật Phòng, chống rửa tiền (“Luật PCRT”) được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/01/2013 là văn bản pháp lý toàn diện quy định về PCRT theo định hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế về PCRT. 

Từ đó đến nay, trải qua 16 năm (2005 - 2021) xây dựng và hoàn thiện cơ chế PCRT ở Việt Nam nói chung và hơn 8 năm thi hành Luật PCRT nói riêng, công tác PCRT ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định.

Tuy nhiên, qua quá trình hơn 8 năm triển khai thực hiện Luật PCRT và các văn bản hướng dẫn thi hành, một số bất cập, hạn chế trong các quy định của pháp luật PCRT đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động PCRT, do đó việc xây dựng Luật PCRT (sửa đổi) nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật PCRT hiện hành. 

Đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCRT; xây dựng hệ thống pháp luật về PCRT phù hợp với các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế về PCRT mà Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện; nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền nói riêng và công tác phòng, chống tội phạm nói chung.

Luật PCRT (sửa đổi) được bố cục gồm 5 chương, 61 điều. Theo dự thảo Luật, việc PCRT phải thực hiện theo quy định của pháp luật trên cơ sở bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia; bảo đảm hoạt động bình thường về kinh tế, đầu tư; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; chống lạm quyền, lợi dụng việc PCRT để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan.

Các biện pháp PCRT phải được thực hiện đồng bộ, kịp thời; các hành vi rửa tiền phải được xử lý nghiêm minh.

Dự thảo Luật cũng nêu rõ các hành vi bị cấm, gồm: Tổ chức, tham gia hoặc tạo điều kiện, trợ giúp thực hiện hành vi rửa tiền; thiết lập hoặc duy trì tài khoản vô danh hoặc tài khoản sử dụng tên giả.

leftcenterrightdel
Các bị cáo bị xét xử về tội rửa tiền. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Thiết lập và duy trì quan hệ kinh doanh với ngân hàng được thành lập tại một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nhưng không có sự hiện diện hữu hình tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đó và không chịu sự quản lý, giám sát của cơ quan quản lý có thẩm quyền.

Cung cấp trái phép dịch vụ nhận tiền mặt, séc, công cụ tiền tệ khác hoặc công cụ lưu trữ giá trị và thực hiện thanh toán cho người thụ hưởng tại một địa điểm khác.  

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong PCRT xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Cản trở, không hợp tác trong việc cung cấp thông tin phục vụ công tác PCRT.

Đe dọa, trả thù người phát hiện, cung cấp thông tin, báo cáo, tố cáo về hành vi rửa tiền.

Mặt khác, dự thảo Luật cũng nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ phối hợp với TAND tối cao và VKSND tối cao trong công tác PCRT; phối hợp công tác PCRT và công tác phòng, chống tài trợ khủng bố.

VKSND, TAND trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình xử lý kịp thời, nghiêm minh hành vi rửa tiền; phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan trong đấu tranh PCRT.

Bộ Tư pháp, Bộ Công an, VKSND tối cao trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế về tương trợ tư pháp trong PCRT.

Ngoài ra, khi có yêu cầu về hợp tác quốc tế trong PCRT, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm kịp thời thông báo bằng văn bản về nội dung, thời gian, các bên liên quan và các chương trình hợp tác quốc tế khác cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để phối hợp thực hiện.

Vũ Long Hải - K44 Đại học Luật Hà Nội