(BVPL) - Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS) (sửa đổi); căn cứ Kế hoạch của VKSNDTC về việc tổ chức lấy ý kiến về dự thảo BLHS (sửa đổi) trong ngành KSND, ngày 31/8/2015 tại Hà Nội, VKSNDTC đã tổ chức Hội nghị góp ý kiến vào Dự thảo BLHS (sửa đổi). Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC, thành viên Ban soạn thảo BLHS (sửa đổi) chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng VKSNDTC cùng các đồng chí là Lãnh đạo cấp Vụ, Lãnh đạo cấp Phòng, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên thuộc Viện kiểm sát quân sự Trung ương và các đơn vị trực thuộc VKSNDTC.
 

Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC, thành viên Ban soạn thảo BLHS (sửa đổi) phát biểu tại Hội nghị.
Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC, thành viên Ban soạn thảo BLHS (sửa đổi) phát biểu tại Hội nghị.


Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC nêu rõ, BLHS năm 1999 được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ VI thông qua ngày 21/12/1999 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2000). Từ khi ra đời đến nay, BLHS đã có những đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần quan trọng trong việc quản lý xã hội, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của các tổ chức và của công dân. Tuy nhiên, sau gần 14 năm thi hành BLHS năm 1999, tình hình đất nước ta đã có những thay đổi lớn về mọi mặt nên BLHS đã bộc lộ nhiều hạn chế bất cập. Việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật, chiến lược cải cách tư pháp và chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam đã mang lại những chuyển biến lớn, tích cực về kinh tế-xã hội và đối ngoại của đất nước. Đặc biệt, sự phát triển của Hiến pháp năm 2013 về việc ghi nhận và đảm bảo thực hiện các quyền con người, quyền công dân đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cả hệ thống pháp luật, trong đó có pháp luật hình sự. Bên cạnh đó, tình hình tội phạm nhìn chung vẫn diễn biến hết sức phức tạp với những phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Số lượng tội phạm luôn có xu hướng gia tăng, nghiêm trọng hơn cả về quy mô và tính chất; nhiều hành vi phạm tội mới xuất hiện, nhất là trong các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, môi trường, công nghệ cao... Từ những lý do đó đã đặt ra yêu cầu sửa đổi BLHS hiện hành một cách cơ bản, toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế thị trường XHCN phát triển đúng hướng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường xã hội và môi trường sinh thái an toàn, lành mạnh cho mọi người dân, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của nước ta.

Đồng chí Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn nhấn mạnh, Hội nghị được tổ chức với mục đích huy động trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc VKSNDTC, Viện kiểm sát quân sự Trung ương vào việc góp ý dự thảo BLHS (sửa đổi), bảo đảm xây dựng BLHS chất lượng, khả thi, thực sự là công cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013.

Tại Hội nghị, Lãnh đạo Vụ Pháp chế và quản lý khoa học VKSNDTC đã giới thiệu tổng quan về dự án BLHS (sửa đổi), bối cảnh và sự cần thiết sửa đổi BLHS; một số vấn đề cần quan tâm trong dự thảo BLHS như: về trách nhiệm hình sự của pháp nhân, về vấn đề hạn chế việc áp dụng hình phạt tử hình, vấn đề thay Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế bằng những tội danh cụ thể trong lĩnh vực kinh tế. Liên quan đến những nội dung sửa đổi lớn của dự thảo BLHS, Lãnh đạo Vụ Pháp chế và quản lý khoa học VKSNDTC cho biết, BLHS sửa những quy định nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế thị trường; nhằm thực hiện những yêu cầu của cải cách tư pháp và Hiến pháp năm 2013, đề cao tính hướng thiện trong xử lý người phạm tội; tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng BLHS, tăng hiệu quả đấu tranh phòng chống tham nhũng đồng thời sửa để đáp ứng yêu cầu nội luật hóa các cam kết quốc tế. Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã nêu lên những vướng mắc của BLHS hiện hành qua thực tiễn thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử đối với các vụ án; đóng góp ý kiến vào nhiều nội dung trong Dự thảo; chỉ rõ những nội dung sửa đổi, bổ sung chưa phù hợp, chưa đầy đủ, chưa chính xác đồng thời đề xuất hướng hoàn thiện Dự thảo…

Liên quan đến việc góp ý đối với Dự thảo BLHS (sửa đổi), trước đó, ngày 27/8/2015, VKSND TP. Hà Nội cũng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến đóng góp ý kiến vào dự thảo Bộ luật. Theo kế hoạch, Hội nghị góp ý Dự thảo BLHS (sửa đổi) khu vực miền Bắc được tổ chức tại Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội ngày 1/9; Hội nghị góp ý Dự thảo BLHS (sửa đổi) khu vực miền Trung được tổ chức vào ngày 4/9/2015 tại Nghệ An.
 

Đắc Thái

.