|
|
Đồng chí Đỗ Mạnh Bổng phát biểu tại lễ ký kết quy chế. |
Chiều 22/2/2022, VKSND TP HCM đã tổ chức lễ ký kết và triển khai thực hiện “Quy chế phối hợp giữa Cơ quan điều tra và VKSND TP HCM trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) về bắt, tạm giữ và phân loại, xử lý vụ việc”.
Tham dự lễ ký kết có: Phó Chủ tịch UBND TP HCM Ngô Minh Châu; Trưởng Ban Nội chính TP HCM Lê Thanh Liêm; đồng chí Đỗ Mạnh Bổng, Viện trưởng VKSND TP HCM; Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP HCM; đồng chí Phùng Văn Hải, Phó Chánh án TAND TP HCM; đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Phó Viện trưởng VKSND cấp cao tại TP HCM…
Tại lễ ký kết, đồng chí Trần Nam Thắng, Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về trật tự xã hội (Phòng 2) đã tóm tắt quá trình triển khai xây dựng quy chế.
Theo đồng chí Trần Nam Thắng, sau khi BLTTHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 được ban hành và có hiệu lực, các cơ quan tố tụng TP HCM trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ đã triển khai, thực hiện nghiêm túc các quy định của BLTTHS. Đồng thời, các cơ quan tố tụng cũng đã chủ động, phối hợp ban hành các quy chế phối hợp liên ngành trong tiếp nhận, thụ lý, giải quyết nguồn tin tội phạm; trong điều tra, truy tố, xét xử nhằm vận dụng, thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo luật định.
|
|
Thiếu tướng Lê Hồng Nam phát biểu tại lễ ký kết. |
Theo nội dung quy chế, thời hạn CQĐT phải chuyển Quyết định, Lệnh, tài liệu làm căn cứ đến Viện kiểm sát sớm hơn và không quá thời hạn BLTTHS quy định, cụ thể: BLTTHS quy định là 12 giờ, thì Quy chế quy định là 6 giờ, nếu do trở ngại khách quan thì không quá 12 giờ; để Điều tra viên và Kiểm sát viên phải chủ động phối hợp, thu thập các tài liệu, chứng cứ bảo đảm cho việc bắt, tạm giữ có căn cứ, đúng pháp luật ngay từ khi bắt, tạm giữ đối tượng, hạn chế thấp nhất lạm dụng việc bắt, tạm giữ, dẫn đến vi phạm quy định của BLTTHS, không bảo vệ được đầy đủ quyền lợi hợp pháp của người bị bắt, tạm giữ.
Tăng cường phối hợp giữa Điều tra viên và Kiểm sát viên trong việc đánh giá tài liệu, chứng cứ, các điều kiện để thực hiện áp dụng ngay thủ tục rút gọn đối với vụ án; quá trình thực hiện sẽ giao cho các cơ quan tham mưu từng bước đánh giá và hằng năm ấn định chỉ tiêu áp dụng thủ tục rút gọn án hình sự cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát 2 cấp thực hiện; đồng thời, thực hiện kiểm tra để bảo đảm tất cả các vụ án có đủ điều kiện đều áp dụng thủ tục rút gọn.
Thực hiện được giải pháp này, sẽ bảo đảm việc giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời, Điều tra viên, Kiểm sát viên có thời gian tập trung giải quyết các vụ án khác, nhất là các vụ án tạm đình chỉ điều tra (phấn đấu kéo giảm tỷ lệ này xuống), nâng cao chất lượng khởi tố, điều tra, truy tố các vụ án hình sự, hoàn thành và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết 96 của Quốc hội, Thành ủy và cơ quan cấp trên giao.
Tại lễ ký kết, đồng chí Đỗ Mạnh Bổng Viện trưởng VKSND TP HCM cho biết từ khi BLTTHS năm 2015 có hiệu lực đến nay, Công an và VKSND thành phố đã chủ động phối hợp chỉ đạo Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát hai cấp triển khai thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được giao, từ đó đạt được những kết quả nhất định, đặc biệt là nhiều chỉ tiêu nhiệm vụ quan trọng theo Nghị quyết 96 của Quốc hội được thực hiện đạt và vượt.
Các nhiệm vụ chính trị do cấp ủy và chính quyền thành phố và Quốc hội và các chỉ tiêu của hai ngành đều hoàn thành xuất sắc. Từ đó giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần quan trọng vì sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
|
|
Lãnh đạo hai ngành Công an và Viện kiểm sát ký kết quy chế. |
Bên cạnh thành quả đạt được cũng còn một số hạn chế, lãnh đạo hai ngành Công an và Viện kiểm sát thành phố đánh giá khách quan và chủ quan từ nhiều góc độ và cách tiếp cận khác nhau thấy rằng công tác phối hợp thi hành BLTTHS trong việc bắt, tạm giữ, phân loại xử lý vụ việc ban đầu giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát hai cấp thời gian qua có một số vấn đề chưa đúng, chưa hiệu quả và chưa kịp thời dẫn đến ảnh hưởng chất lượng, hiệu quả công tác hai ngành từ đó cần ban hành quy định để hai bên phối hợp giải quyết.
“Từ thực tế và đánh giá nguyên nhân nêu trên, Công an, VKSND thành phố đã nhiều lần trao đổi, thống nhất giao cho Phòng 2 VKSND thành phố chủ trì, phối hợp với Văn phòng tổng hợp VKSND thành phố và Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố xây dựng Dự thảo “Quy chế quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và VKSND TP HCM trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã; tạm giữ người trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú, người bị bắt theo quyết định truy nã.
Phân loại, xử lý vụ, việc trong giai đoạn bắt, tạm giữ, gồm 6 Điều, quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc phối hợp, phối hợp trong giai đoạn bắt, tạm giữ, phối hợp phân loại, xử lý vụ việc trong giai đoạn bắt, tạm giữ và hiệu lực thi hành, tổ chức thực hiện”, đồng chí Đỗ Mạnh Bổng nhấn mạnh.
|
|
Quy chế phối hợp giữa Cơ quan điều tra Công an TP HCM và VKSND TP HCM được ký kết. |
Cũng tại lễ ký kết, Thiếu tướng Lê Hồng Nam cho hay, trong thời gian qua, Công an và VKSND thành phố đã có sự phối hợp xuyên suốt, kịp thời trong việc chỉ đạo Cơ quan điều tra và VKSND hai cấp đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định pháp luật.
Hai ngành đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm thực hiện và đạt, vượt một số chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác theo Nghị quyết số 96/2014/QH14; công tác bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra, giải quyết vụ án được hai đơn vị phối hợp chặt chẽ, đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật tố tụng hình sự.
Để thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp vừa được ký kết giữa hai Ngành, Thiếu tướng Lê Hồng Nam đề nghị Cơ quan điều tra các các cấp thuộc Công an thành phố khẩn trương quán triệt đến Điều tra viên, Cán bộ điều tra thực hiện nghiêm túc Quy chế phối hợp.
“Tăng cường và nâng cao năng lực, ý thức, trách nhiệm của lãnh đạo Cơ quan điều tra, Điều tra viên, cán bộ điều tra trong công tác bắt, tạm giữ và phân loại, xử lý vụ, việc.
Điều tra viên phải chủ động phối hợp cùng Kiểm sát viên thụ lý trong công tác thu thập tài liệu, chứng cứ bảo đảm chặt chẽ cho việc bắt, tạm giữ theo đúng căn cứ, pháp luật ngay trong giai đoạn đầu của vụ án, vụ việc, hạn chế đến mức thấp nhất việc bắt tạm giữ không đủ căn cứ dẫn đến vi phạm quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Viện kiểm sát không phê chuẩn hoặc hủy bỏ lệnh Quyết định tố tụng” Thiếu tướng Lê Hồng Nam phát biểu./.