Dự, chỉ đạo hội nghị có các đồng chí: Đặng Bá Cường,Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Hải Phòng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp thành phố; Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng. Cùng dự có các đồng chí: Vũ Mạnh Hùng, Viện trưởng VKSND TP Hải Phòng; Đại tá Lê Nguyên Trường, Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng; Trần Quốc Trinh, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hải Phòng.
Quy chế phối hợp đối với công tác giám định tư pháp về pháp y trong tố tụng hình sự giữa 3 cơ quan: Công an, VKSND và Sở Y tế TP Hải Phòng gồm 3 chương, 8 điều, quy định về việc phối hợp trong công tác giám định tư pháp về pháp y trong tố tụng hình sự trên địa bàn TP Hải Phòng và các cơ quan chuyên môn trực thuộc, trên cơ sở chức năng,nhiệm vụ, quyền hạn khi giải quyết các vụ việc, vụ án có trưng cầu giám định tư pháp về pháp y theo quy định của pháp luật, bao gồm: giám định và giám định lại tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích và các tổn thương khác gây nên; giám định tình trạng sức khỏe; giám định và giám định lại tử thi, hài cốt.
Theo VKSND TP Hải Phòng cho biết, từ đầu tháng 3/2022, theo sự ủy quyền của các đơn vị tham gia ký kết quy chế phối hợp, VKSND TP Hải Phòng đã xây dựng Kế hoạch số 123/KH-VKS-P2 ngày 10/3/2022 về việc lấy ý kiến tham gia đóng góp và tổ chức Hội nghị ký kết Quy phối hợp giữa Công an - Viện kiểm sát - Sở Y tế Hải Phòng đối với công tác giám định tư pháp về pháp y trong Tố tụng hình sự. Đồng thời, thành lập Tổ giúp việc thực hiện nhiệm vụ thu thập, tổng hợp các thông tin vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn, từ đó đề xuất nội dung dự thảo Quy chế phối hợp đảm bảo tính khả thi trong thực tế.
|
|
Lãnh đạo Công an TP Hải Phòng, VKSND TP Hải Phòng và Sở Y tế TP Hải Phòng ký kết Quy chế phối hợp công tác giám định tư pháp về pháp y. |
Quy chế phối hợp được ban hành nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác thực hiện giám định, phối hợp giám định về pháp y, bảo đảm cho công tác giám định được tiến hành thuận lợi, tuân thủ đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Giám định tư pháp, góp phần tích cực cho việc giải quyết kịp thời các vụ việc, vụ án có nạn nhân bị thương theo đúng thời hạn luật định.
Quy chế cũng sẽ góp phần hạn chế tối đa việc phải tạm đình chỉ giải quyết vụ việc, vụ án vì lý do chưa thể thực hiện giám định tỷ lệ tổn hại sức khỏe do người bị thương từ chối giám định và việc dẫn giải không hiệu quả hoặc người bị thương sau khi điều trị khỏi bệnh đã bỏ đi chưa xác minh được địa chỉ.
Bên cạnh đó, Quy chế cũng góp phần tăng cường mối quan hệ phối hợp trong công tác giám định tư pháp về pháp y trong tố tụng hình sự giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và các cơ quan chuyên môn thực hiện nhiệm vụ pháp y, phục vụ có hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Đặng Bá Cường - Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp TP Hải Phòng nhấn mạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với việc đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám định tư pháp; khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác giám định tư pháp về pháp y trong tố tụng hình sự. Đồng chí Trưởng Ban Nội chính Thành ủy đề nghị UBND TP Hải Phòng, Thủ trưởng các ngành Công an, Viện kiểm sát, Sở Y tế từ kinh nghiệm xây dựng Quy chế phối hợp này cần nghiên cứu công tác giám định tư pháp trong những lĩnh vực khác để phối hợp các cơ quan chuyên môn của UBND thành phố chỉ đạo xây dựng quy chế phối hợp công tác giám định tư pháp trong những lĩnh vực còn vướng mắc, bất cập cần được tháo gỡ nhằm nâng cao chất lượng công tác giám định, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc theo quy định của luật Tố tụng hình sự.