Tham dự Hội nghị có đồng chí Phạm Quý Tiên, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cùng đại diện một số sở, ban, ngành TP Hà Nội. Hội nghị còn có sự tham dự của đồng chí Phạm Thị Minh Yến, Phó Viện trưởng, Phụ trách VKSND cấp cao tại Hà Nội; lãnh đạo một số đơn vị thuộc VKSND tối cao; tập thể lãnh đạo Viện, lãnh đạo các phòng nghiệp vụ VKSND TP Hà Nội, lãnh đạo VKSND các quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội.

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, nối từ điểm cầu VKSND TP Hà Nội đến 31 điểm cầu VKSND cấp quận, huyện, thị xã trực thuộc.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: H.Nguyên.

Theo Báo cáo, năm 2022, VKSND hai cấp TP Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội khóa XIV về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của VKSND, của TAND và công tác thi hành án; Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 27/12/2021 của Viện trưởng VKSND tối cao, Kế hoạch số 04/KH-VKS ngày 18/1/2022 của VKSND TP Hà Nội về công tác năm 2022.

Phát huy truyền thống đơn vị anh hùng trong thời kỳ đổi mới, ngành KSND Thủ đô đã chủ động, tích cực thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành với phương châm “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Thực chất, hiệu quả”; đồng thời, thực hiện chủ đề năm 2022 của TP Hà Nội về “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Kết quả năm 2022, VKS hai cấp TP Hà Nội đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ.

Tình hình tội phạm

Năm 2022, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP Hà Nội cơ bản được giữ vững, ổn định. VKSND hai cấp TP phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp và chính quyền địa phương giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vấn đề phát sinh, nổi cộm, đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.

Trong năm 2022, Cơ quan điều tra hai cấp thành phố đã khởi tố đối với 8.490 vụ, VKSND hai cấp đã phê chuẩn quyết định khởi tố 12.946 bị can (giảm 316 vụ, tăng 605 bị can so với cùng kỳ năm 2021). Các nhóm tội phạm về tham nhũng, chức vụ, tội phạm về kinh tế, môi trường, tội phạm về trật tự xã hội tăng so với năm 2021. Nhóm tội phạm xâm phạm sở hữu, tội về ma túy mặc dù giảm về số lượng vụ án nhưng tăng về số bị can.

Đáng chú ý, tình hình tội phạm ma túy có diễn biến hết sức phức tạp, tính chất và mức độ ngày càng nguy hiểm, thủ đoạn che giấu tinh vi, chủ yếu vẫn là các tội mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Đào Thịnh Cường, Viện trưởng VKSND TP Hà Nội phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: H.Nguyên.
Đặc biệt, trong năm, số vụ án về tai nạn giao thông, tai nạn lao động có xu hướng tăng. Nhiều vụ án liên quan đến cháy nổ có tính chất nghiêm trọng xảy ra ra trên địa bàn. VKSND hai cấp đã kiểm sát khám nghiệm hiện trường 1.016 vụ tai nạn giao thông, 66 vụ tai nạn lao động và 179 vụ cháy nổ.

Thành công từ việc chọn đúng khâu đột phá

Trước diễn biến tình hình tội phạm trên địa bàn ngày càng phức tạp, lãnh đạo VKSND hai cấp TP Hà Nội đã chủ động tăng cường vai trò, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xác định và tập trung làm tốt nhiệm vụ trọng tâm, tăng cường công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, không để xảy ra oan sai và bỏ lọt tội phạm; kiên quyết thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị đối với những vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp, góp phần đảm bảo pháp luật phải được thực hiện nghiêm chỉnh.

Cùng với đó, trong công tác chỉ đạo, điều hành nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, đẩy mạnh công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát hai cấp đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động kiểm sát; đồng thời, xác định 2 khâu công tác đột phá, đó là: Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Chú trọng chất lượng yêu cầu xác minh, bảo đảm không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm; Tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: H.Nguyên.
Công tác thực hành quyền công tố kiểm sát hoạt động tư pháp: Trong năm 2022, VKS hai cấp TP Hà Nội đã kiểm sát 100% việc thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của CQĐT; thực hành quyền công tố, kiểm sát 25.346 tố giác, tin báo tội phạm do CQĐT thụ lý, trong đó thụ lý mới 21.564 tin (tăng 2.322 tin so với cùng kỳ năm 2021); đã phối hợp với CQĐT giải quyết 23.583 tin, trong đó khởi tố 8.525 vụ, không khởi tố 5.217 tin; tạm đình chỉ giải quyết 9.843 tin, tỷ lệ giải quyết đạt 93,1% (vượt 2,1% chỉ tiêu đơn vị đề ra; cao hơn 3,1% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết 96); còn lại 1.761 tin đang trong quá trình giải quyết, trong đó không có tin báo quá hạn thời hạn giải quyết.

VKS hai cấp đã ban hành 18.322 yêu cầu kiểm tra, xác minh đối với các tố giác, tin báo tội phạm, đảm bảo 100% tố giác, tin báo có yêu cầu xác minh của VKS.

Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự: VKS hai cấp TP đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với CQĐT, kiểm sát 100% các vụ án ngay từ khi khởi tố. VKS hai cấp thụ lý thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 10.567 vụ/16.428 bị can, trong đó khởi tố mới 8.490 vụ/12.946 bị can (giảm 316 vụ, tăng 635 bị can so với cùng kỳ năm 2021); tỷ lệ bắt giữ chuyển xử lý hình sự đạt 99,98%.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng tập thể lãnh đạo VKSND TP Hà Nội. Ảnh: H.Nguyên.

VKS hai cấp TP Hà Nội kiên quyết không phê chuẩn đối với các trường hợp bắt, giữ, giam không có căn cứ hoặc không cần thiết; đã quyết định không phê chuẩn 7 lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, 9 lệnh bắt tạm giam, 29 lệnh tạm giam; không phê chuẩn gia hạn tạm giữ 10 trường hợp, hủy bỏ 5 quyết định tạm giữ... Các trường hợp phê chuẩn, không phê chuẩn đều trên cơ sở xem xét thận trọng các chứng cứ, tài liệu do CQĐT cung cấp, đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật, được CQĐT thực hiện nghiêm túc.

 VKS hai cấp đã ban hành 9.044 bản yêu cầu điều tra, đảm bảo 100% các trường hợp phê chuẩn Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, phê chuẩn khởi tố bị can đều được VKS ghi lời khai, hỏi cung trước đó; các trường hợp đình chỉ, tạm đình chỉ đảm bảo đúng pháp luật, được kiểm sát chặt chẽ và kịp thời phục hồi giải quyết khi có căn cứ.

Trong năm 2022, VKS đã khởi tố, yêu cầu CQĐT điều tra 1 vụ; hủy bỏ quyết định khởi tố 2 bị can; yêu cầu CQĐT khởi tố 94 vụ/ 60 bị can; yêu cầu CQĐT thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố 13 vụ/19 bị can; yêu cầu hủy bỏ quyết định không khởi tố 1 vụ, việc; đều được CQĐT nghiêm túc thực hiện.

VKS chủ động phối hợp với CQĐT, Toà án xác định 1.731 vụ án trọng điểm (đạt 20,4%, cao hơn 3,6% so với cùng kỳ năm 2021, vượt chỉ tiêu đơn vị và chỉ tiêu Ngành đề ra), áp dụng thủ tục rút gọn giải quyết 33 vụ; VKS hai cấp ban hành 47 kiến nghị khắc phục vi phạm và 36 kiến nghị phòng ngừa vi phạm, tội phạm (đều vượt chỉ tiêu Ngành đề ra), các kiến nghị đều được chấp nhận, đạt tỷ lệ 100%. VKSND TP ban hành 14 thông báo rút kinh nghiệm trong công tác kiểm sát điều tra.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Phạm Quý Tiên, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội trao Cờ thi đua ngành KSND tặng các đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua khối năm 2022. Ảnh: H.Nguyên.

Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố: VKS hai cấp thụ lý thực hành quyền công tố 7.206 vụ/13.430 bị can, trong đó thụ lý mới 7.163 vụ/ 13.289 bị can (tăng 83 vụ/551 bị can so với cùng kỳ năm 2021).

VKS đã giải quyết 7.197 vụ/13.343 bị can, đạt 99,9% ( vượt 2,9% so với chỉ tiêu đơn vị đề ra, vượt 4,9% so với chỉ tiêu Ngành), trong đó truy tố 7.165 vụ/13.264 bị can; đình chỉ điều tra 27 vụ/74 bị can, tạm đình chỉ điều tra 5 vụ/5 bị can; còn đang giải quyết 9 vụ/87 bị can. Tỷ lệ truy tố đúng thời hạn, đúng tội danh đều đạt 100% (vượt 2% so với chỉ tiêu Ngành).

Việc ban hành các quyết định tố tụng và truy tố của VKS hai cấp đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự: VKS hai cấp thụ lý thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử theo thủ tục sơ thẩm 8.575 vụ/16.502 bị cáo (số mới 7.026 vụ/12.939 bị cáo – tăng 109 vụ, 636 bị cáo so với cùng kỳ năm 2021) trong đó VKSND tối cao phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử 25 vụ/231 bị cáo (tăng 9 vụ/113 bị cáo so với cùng kỳ năm 2021). VKS đã thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm 6.762 vụ/12.732 bị cáo, đình chỉ 55 vụ/102 bị cáo (chủ yếu do bị hại rút đơn), tạm đình chỉ 09 vụ/31 bị cáo, còn đang giải quyết 1.749 vụ/3.637 bị cáo. Không có trường hợp Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội, không có trường hợp Tòa án đình chỉ xét xử do VKS rút toàn bộ quyết định truy tố.

Song song với đó, VKSND TP thực hành quyền công tố, kiểm sát theo thủ tục phúc thẩm 1.237 vụ/1.869 bị cáo, trong đó mới thụ lý 1.137 vụ/1.701 bị cáo (tăng 246 vụ/441 bị cáo so với cùng kỳ năm 2021). Tòa án đã giải quyết 1.057 vụ/1.581 bị cáo, cụ thể: đình chỉ xét xử 366 vụ/459 bị cáo, xét xử phúc thẩm 691 vụ/1.122 bị cáo. Hiện, còn 180 vụ/288 bị cáo đang giải quyết.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: H.Nguyên.
Trong công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự; kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình; kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ, việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định pháp luật; kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính… đều được quan tâm, giải quyết và đạt kết quả cao. 
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nghiên cứu, tham mưu cho Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao biểu dương những kết quả VKSND hai cấp TP Hà Nội đã đạt được trong năm 2022. Đồng thời, chỉ đạo tập thể lãnh đạo Viện, Kiểm sát viên, công chức VKS hai cấp TP Hà Nội cần tiếp tục phát huy thành tích đạt được, đoàn kết, đổi mới, chuyên nghiệp, hiệu quả trong tất cả các khâu công tác. “Chuyên nghiệp ở đây là chuyên nghiệp ngay từ khi tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm. Đến chuyên nghiệp trong công tác kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử hoặc ngay như trong công tác tiếp công dân cũng phải chuyên nghiệp, tất cả đều phải được nâng lên một cấp. Ở đây tính chuyên nghiệp là tính chính xác, chuyên sâu trong công việc”, Viện trưởng Lê Minh Trí nhấn mạnh.

“Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm sát là một trong những yêu cầu hàng đầu đối với các địa phương, nhất là với một địa phương đặc biệt như Hà Nội, với nhiệm vụ nặng nề, quy mô quản lý rộng lớn. Do vậy, lãnh đạo VKSND TP Hà Nội phải có kế hoạch để triển khai, thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Làm được việc này sẽ giúp cho công tác quản lý, điều hành tốt hơn, giảm lao động thủ công, kiểm soát công việc nhanh, chính xác hơn.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: H.Nguyên.
“Vừa qua, Thành ủy, UBND TP Hà Nội tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho VKSND TP Hà Nội nguồn kinh phí để ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hồ sơ. Đồng thời, đầu tư cơ sở vật chất các VKSND cấp huyện, đây là điều kiện hết sức thuận lợi. Do vậy, VKS hai cấp TP phải làm tốt hơn nữa để cấp ủy, chính quyền địa phương thấy được hiệu quả từ việc đầu tư thì mới tiếp tục ủng hộ... Thay mặt  Ban Cán sự đảng VKSND tối cao, tôi gửi lời cảm ơn đến Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội trong thời gian qua đã hết sức quan tâm, chỉ đạo VKS hai cấp TP thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là sự quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi cho VKS hai cấp TP thực hiện tốt công tác chuyên môn nghiệp vụ cũng như nhiệm vụ được giao", Viện trưởng Lê Minh Trí nói.

Viện trưởng Lê Minh Trí chỉ đạo: “Nhằm tiếp tục đạt được những thành tích cao trong năm 2023, sau Hội nghị này, lãnh đạo VKSND TP Hà Nội phải có kế hoạch triển khai ngay đến cấp cơ sở để thực hiện. Đặc biệt, sau khi triển khai phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và đánh giá tiến độ, chất lượng triển khai thực hiện ở cấp dưới”. “Nếu ở cấp quận, huyện làm không tốt thì sẽ rất khó khăn cho cấp TP; còn nếu họ làm tốt thì có thể đỡ cho cấp TP đến 2/3 công việc. Địa bàn Hà Nội rất rộng, với 31 quận, huyện, thị xã nên công tác kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện ở cấp dưới phải trở thành một nhiệm vụ mà ở Hà Nội, các đồng chí phải coi đó là một yêu cầu công tác của mình”, Viện trưởng Lê Minh Trí lưu ý.

Theo Viện trưởng Lê Minh Trí, hiện nay tất cả các tỉnh, TP đều đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thành ủy Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. “Vậy, vai trò tham mưu của VKSND TP Hà Nội đối với Ban Chỉ đạo này như thế nào?”, Viện trưởng Lê Minh Trí đặt câu hỏi.

Viện trưởng VKSND tối cao đề nghị, lãnh đạo VKSND TP Hà Nội nghiên cứu, trao đổi với các đồng chí là lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ VKSND tối cao để xem trong thời gian qua, công tác tham mưu của ngành Kiểm sát đối với Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực như thế nào, để từ đó VKSND TP Hà Nội có những tham mưu, đóng góp cho Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Hồng Nguyên