leftcenterrightdel
 Đồng chí Ngô Thị Quỳnh Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp về hình sự VKSND tối cao phát biểu tại tọa đàm.

Dự buổi tọa đàm có đồng chí Ngô Thị Quỳnh Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp về hình sự VKSND tối cao (viết tắt Vụ 13); bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách Văn phòng Liên Hợp Quốc về Chống ma túy và Tội phạm tại Việt Nam (viết tắt UNODC tại Việt Nam); đồng chí Nguyễn Quốc Hân, Viện trưởng VKSND tỉnh Trà Vinh; đồng chí Trương Văn Nghị, Viện trưởng VKSND tỉnh Long An; đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc, Viện trưởng VKSND tỉnh Kiên Giang; đồng chí Huỳnh Thị Ngọc Hoa, Phó Viện trưởng VKSND TP Hồ Chí Minh; cùng dự có lãnh đạo VKSND, Công an, Tòa án các địa phương ở khu vực phía Nam.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Ngô Thị Quỳnh Anh, Phó Vụ trưởng Vụ 13 cho biết, qua 15 năm triển khai thực hiện Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 cho thấy, công tác tương trợ tư pháp về hình sự đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Kết quả công tác tương trợ tư pháp về hình sự đã góp phần giải quyết tốt các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài; nâng cao hiệu quả hợp tác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

leftcenterrightdel
Bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách UNODC tại Việt Nam bày tỏ lòng cảm ơn chân thành đến lãnh đạo VKSND tối cao, Vụ 13, Vụ Pháp chế và quản lý khoa học đã nỗ lực cùng UNODC tổ chức buổi tọa đàm.

Tuy nhiên, sau hơn 15 năm thực hiện để đáp ứng những yêu cầu mới phát sinh của quá trình hội nhập quốc tế, yêu cầu của cải cách pháp luật, cải cách tư pháp và chuyển đổi số cũng như thực tiễn phát triển của hoạt động tương trợ tư pháp, các quy định về tương trợ tư pháp trong các lĩnh vực nói chung và các quy định của Luật Tương tự tư pháp về hình sự cần được hoàn thiện một cách chuyên sâu và toàn diện.

“Tôi tin tưởng rằng, quá trình tham dự buổi toạ đàm, các đại biểu sẽ có cơ hội để thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong thực tiễn hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự. Từ đó cùng nhau thảo luận đưa ra được những giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quá hoạt động này. Ý kiến đóng góp, trao đổi của các đại biểu sẽ được tổng hợp, tiếp thu để Vụ 13 tiếp tục nghiên cứu, báo cáo đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự”, đồng chí Ngô Thị Quỳnh Anh nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 Đại biểu dự tọa đàm về quy định của Luật Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự.

Tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách UNODC tại Việt Nam đã bày tỏ lòng cảm ơn chân thành đến lãnh đạo VKSND tối cao, Vụ 13, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học đã nỗ lực cùng UNODC để chuẩn bị và tổ chức buổi "Tọa đàm về quy định của Luật Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự và thực tiễn áp dụng hiện nay".

Theo bà Nguyễn Nguyệt Minh, nhờ công nghệ, phương tiện hiện đại, chúng ta có thể nhanh chóng đi đến bất cứ đâu mà chúng ta muốn, tại nhà nhưng có thể mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ ở bất cứ nơi đâu, một số chuyên gia gọi thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0 là thời đại “thế giới phẳng”, hay “ngôi làng toàn cầu”. Tuy nhiên, khả năng kết nối ngày càng tăng và sự hội nhập sâu rộng đang tạo ra môi trường thuận lợi cho băng nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia phát triển.

leftcenterrightdel
Tại buổi tọa đàm, toàn thể đại biểu sẽ trao đổi về dự thảo Luật Tương trợ tư pháp về hình sự.

Phụ trách UNODC tại Việt Nam cũng đã vui mừng ghi nhận và chứng kiến Chính phủ Việt Nam tiếp tục đạt được những tiến bộ trong cải cách tư pháp hình sự. Nỗ lực của VKSND tối cao trong việc xây dựng một đạo luật mới về tương trợ tư pháp về hình sự là rất đáng biểu dương. Đạo luật này sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để đạt được hỗ trợ pháp lý quốc tế hiệu quả.

“Hội thảo này diễn ra trong bối cảnh Luật Tương trợ tư pháp về hình sự dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới. Trong ngày hôm nay, chúng ta sẽ có cơ hội thảo luận giữa các cơ quan tư pháp của Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng cuộc trao đổi quan điểm và kinh nghiệm sẽ rất hữu ích đối với VKSND tối cao không chỉ trong việc xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về hình sự hiệu quả mà còn để có được thông tin nhằm tăng cường cải cách thể chế”, bà Nguyễn Nguyệt Minh phát biểu.

leftcenterrightdel
 Toàn thể đại biểu dự tọa đàm chụp ảnh lưu niệm.

Cũng tại buổi toạ đàm, đồng chí Nguyễn Khánh Ngân, Phó Trưởng phòng Vụ 13 đã trình bày tổng quan pháp luật Việt Nam về tương trợ tư pháp hình sự và giới thiệu dự thảo Luật Tương trợ tư pháp về hình sự; đồng chí Nguyễn Thanh Liêm, Kiểm tra viên Vụ 13 đã nêu thực trạng hoạt động tương trợ tư pháp hình sự của Việt Nam hiện nay, cùng một số đề xuất, kiến nghị.

Chiều cùng ngày, đồng chí Nguyễn Văn Vui, Kiểm tra viên Vụ 13, trình bày về trình tự, thủ tục xử lý yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự; đồng chí Ngô Thị Quỳnh Anh, Phó Vụ trưởng Vụ 13 nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng Luật Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự hiện nay. Bên cạnh đó, tại buổi tọa đàm, toàn thể đại biểu đã trao đổi về dự thảo Luật Tương trợ tư pháp về hình sự./.

Đại Lánh