Chuyến thăm nằm trong khuôn khổ Chương trình hợp tác về pháp luật và tư pháp đã ký năm 2016 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ; chủ trì triển khai thực hiện các hoạt động hợp tác giữa hai nước là Cục Phòng chống Ma túy và Thực thi pháp luật quốc tế - Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

leftcenterrightdel
 Đoàn làm việc với Trường Đại học Luật Duke.

Mục đích chuyến công tác nhằm trao đổi, nghiên cứu pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn của Hoa Kỳ về bảo vệ lợi ích công và lợi ích của nhóm người yếu thế, qua đó tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác về pháp luật giữa VKSND tối cao Việt Nam và các đối tác có liên quan của Hoa Kỳ.

Trong khuôn khổ chuyến công tác, Đoàn công tác đã có các buổi trao đổi, tọa đàm với các giáo sư của Trường Đại học Luật Duke tại Bắc Carolina và thủ đô Washington D.C; làm việc với các Công tố viên của Cơ quan Chưởng lý liên bang tại Đông Bắc Carolina, Cơ quan Chưởng lý liên bang tại Maryland; thăm, làm việc với Thẩm phán Tòa án sơ thẩm liên bang tại Maryland và tham dự phiên tòa điều trần tại Bang Maryland; làm việc với một số Công ty luật công và tư của Hoa Kỳ là: Công ty luật quốc tế Good Ground, Công ty luật Joseph Greenwald & Laake, Tổ chức Public Citizen.

leftcenterrightdel
 Đoàn làm việc và chụp ảnh lưu niệm với Cơ quan Chưởng lý liên bang tại Đông Bắc North Carolina.

Tại các buổi trao đổi, tọa đàm, các giáo sư của Trường Đại học Luật Duke đã giới thiệu với đoàn về các chương trình giảng dạy của Trường cho sinh viên luật về thực hành bảo vệ lợi ích công cũng như bối cảnh ra đời bảo vệ lợi ích công tại Hoa Kỳ và hệ thống cơ sở pháp luật của Hoa Kỳ liên quan đến bảo vệ lợi ích công.

Bên cạnh đó, các Công tố viên liên bang tại Đông Bắc Carolina và Maryland đã trao đổi và chia sẻ về vai trò của Công tố viên Hoa Kỳ trong tố tụng dân sự và hình sự, đặc biệt là vai trò của Công tố viên Hoa Kỳ trong bảo vệ lợi ích công và lợi ích của nhóm người yếu thế tại Hoa Kỳ. Ngoài ra, các Thẩm phán liên bang và các luật sư Hoa Kỳ cũng đã giới thiệu và chia sẻ về hệ thống tòa án Hoa Kỳ, vài trò của Thẩm phán, Luật sư công và tư trong việc bảo vệ lợi ích công cộng và lợi ích của nhóm yếu thế trong xã hội.

leftcenterrightdel
 Đoàn làm việc với Thẩm phán Toà án sơ thẩm Liên bang tại Maryland.

Phát biểu tại các buổi trao đổi, đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực Nguyễn Huy Tiến nhấn mạnh, mặc dù pháp luật giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có sự khác biệt nhưng cũng có nhiều điểm tương đồng. Hai bên sẽ chia sẻ với nhau về sự khác biệt trong hệ thống pháp luật và tăng cường hợp tác trong những điểm tương đồng nhằm hướng tới mục tiêu chung là đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm để bảo vệ lợi ích của Nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của người dân; góp phần xây dựng một môi trường xã hội an toàn và ổn định cho tất cả người dân mỗi nước.

Những kinh nghiệm về pháp luật và thực tiễn triển khai thi hành của Hoa Kỳ về bảo vệ lợi ích công mà các giáo sư, Công tố viên, Thẩm phán, luật sư của Hoa Kỳ đã chia sẻ là nguồn tư liệu quý cho VKSND tối cao nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Đề án: “Nghiên cứu hoàn thiện quy định pháp luật về khởi kiện vụ án dân sự trong trường hợp chủ thể các quyền dân sự là nhóm dễ bị tổn thương hoặc trường hợp liên quan đến lợi ích công nhưng không có người đứng ra khởi kiện”.

Đây là một trong những đề án quan trọng mà VKSND tối cao được giao chủ trì triển khai thực thực hiện theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. 

leftcenterrightdel
 Đoàn làm việc với Cơ quan Chưởng lý Liên bang tại Tiểu bang Maryland.

Nhìn chung, chuyến thăm, làm việc và nghiên cứu của Đoàn đại biểu VKSND tối cao tại Hoa Kỳ đã thành công, đảm bảo yêu cầu, mục đích đề ra. Nội dung làm việc thiết thực, hiệu quả, trong đó có nhiều thông tin có giá trị tham khảo cao. Chuyến thăm góp phần tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ nói chung và giữa VKSND tối cao Việt Nam và các cơ quan thực thi pháp luật của Hoa Kỳ nói riêng.

Vụ 13, VKSND tối cao