Theo số liệu thống kê, trong 9 tháng năm 2020, Tòa án nhân dân huyện Đức Thọ đã thụ lý 120 vụ án dân sự, trong đó có 98 vụ tranh chấp về hôn nhân gia đình (chiếm tỷ lệ 81,7%).  Đáng chú ý, các vụ án tranh chấp về hôn nhân gia đình thì độ tuổi ly hôn có xu hướng trẻ hóa ngày càng cao. Trong tổng số các vụ ly hôn có 42 cặp vợ chồng ở độ tuổi từ 25-30 tuổi, chiếm tỷ lệ 42,9%, 22 cặp vợ chồng có độ tuổi từ 31-35 tuổi, chiếm tỷ lệ 22,4%.

Mặt khác, số vụ án ly hôn do người vợ khởi kiện có tới 66 vụ, chiếm tỷ lệ 67,3% và nguyên nhân dẫn đến vợ chồng ly hôn đều xuất phát từ các mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống vợ chồng (94 vụ, chiếm tỷ lệ 96%).

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn, nhưng chủ yếu là do các cặp vợ chồng bất đồng về cách sống, kết hôn khi ở độ tuổi còn trẻ, tâm sinh lý chưa thực sự ổn định, chưa có sự chuẩn bị kỹ về kiến thức hôn nhân và kỹ năng sống trước khi bước vào đời sống hôn nhân. Khi xảy ra mâu thuẫn, vợ chồng không tìm cách tháo gỡ dẫn đến mâu thuẫn kéo dài, trầm trọng, không thể hàn gắn được.

leftcenterrightdel
 Một phiên tòa xét xử ly hôn (ảnh: Tạp chí tòa án)

Bên cạnh đó, nhiều cặp vợ chồng trẻ  chưa có công việc ổn định, nên sau khi kết hôn phải tự lo cho cuộc sống riêng khi điều kiện kinh tế chưa ổn định; một số trường hợp vợ, chồng phải đi làm ăn xa nhà dẫn đến ít có điều kiện quan tâm lẫn nhau.

Thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp trong việc giải quyết các vụ án tranh chấp về Hôn nhân và gia đình, VKSND huyện Đức Thọ nhận  thấy tình trạng ly hôn trên địa bàn huyện thời gian qua  tiếp tục có chiều hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa về độ tuổi ly hôn.

Do đó, để góp phần củng cố và xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, hạn chế tình trạng ly hôn, nhất là trong giới trẻ như hiện nay, VKSND huyện Đức Thọ  kiến nghị đến UBND huyện chỉ đạo đến các ban ngành tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm phòng ngừa hạn chế tình trạng ly hôn.

Tăng cường công tác truyền thông về giữ gìn hạnh phúc gia đình, đa dạng các hình thức giáo dục để giới trẻ nhận thức đúng đắn, đầy đủ về đời sống hôn nhân trước và sau khi kết hôn.

Đồng thời, tăng cường chỉ đạo công tác tập huấn cho các tổ chức hòa giải cơ sở để công tác hòa giải ở cơ sở đạt hiệu quả, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn trong gia đình để động viên, khuyến khích, giúp đỡ các cặp vợ chồng tìm ra hướng tháo gỡ nhằm hàn gắn hạnh phúc gia đình.

L.T - Hiền Trang (VKSND huyện Đức Thọ)