Đồng chí Trần Công Phàn, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao dự và chỉ đạo hội nghị.

Đồng chí Phan Văn Tâm, Vụ trưởng Vụ Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật (Vụ 10), VKSND tối cao chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có đồng chí Lê Thành Dương, Kiểm sát viên VKSND tối cao; đại diện lãnh đạo đơn vị, công chức có liên quan một số đơn vị thuộc VKSND tối cao gồm: Vụ 4, Vụ 8, Vụ 11, Vụ 12, Vụ 14, Vụ 15, Thanh tra; lãnh đạo và toàn thể công chức Vụ 10; đại diện lãnh đạo Viện, lãnh đạo, Kiểm sát viên và công chức có liên quan thuộc VKSND cấp cao 1, 2, 3; VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện...

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, nối điểm cầu chính tại Hội trường trụ sở VKSND tối cao đến các điểm cầu trong toàn ngành KSND.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu dự hội nghị.

Tại hội nghị, đồng chí Phan Văn Tâm, Vụ trưởng Vụ 10 đã trình bày tóm tắt báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật Phá sản năm 2014 và 5 năm thi hành Pháp lệnh 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/1/2014 trong ngành KSND.

Theo đó, để đảm bảo thi hành Luật Phá sản trong thực tiễn giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản tại TAND, VKSND tối cao đã phối hợp với Chính phủ, TAND tối cao xây dựng và ban hành 55 văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Phá sản. VKSND tối cao cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện trong Ngành.

Hầu hết Viện kiểm sát các cấp đều nghiêm túc, kịp thời phổ biến, quán triệt Luật Phá sản và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Phá sản đến toàn thể Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên được phân công thực hiện công tác kiểm sát việc giải quyết phá sản.

Năm 2018 VKSND tối cao đã tổ chức thành công Hội nghị sơ kết 3 năm thi hành Luật Phá sản. Trong 5 năm tổng số vụ việc có đơn đề nghị xem xét lại, kháng nghị đối với quyết định không mở thủ tục phá sản, quyết định mở thủ tục phá sản và quyết định tuyên bố phá sản là 325 vụ việc, Tòa án mở phiên họp xem xét lại đề nghị, kháng nghị là 286 phiên họp (đạt 88%); số vụ việc Tòa án chưa mở phiên họp là 39 vụ việc (chiếm 12%).

Cùng với đó, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Viện kiểm sát địa phương đã kiểm sát 100% các quyết định giải quyết theo thủ tục phá sản của Tòa án cùng cấp theo quy định của Luật Phá sản.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Phan Văn Tâm, Vụ trưởng Vụ 10 trình bày báo cáo tại hội nghị.

Đối với việc thi hành Pháp lệnh 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/1/2014 trong ngành KSND, trong 5 năm, tổng số thụ lý là 96.213 trường hợp. Đã xử lý, giải quyết 96.022 trường hợp. Thông qua công tác kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND theo quy định của Pháp lệnh 09, VKSND các cấp đã phát hiện được tổng số 1.362 vi phạm.

Tại hội nghị, dưới dự điều hành của đồng chí Phan Văn Tâm, Vụ trưởng Vụ 10, VKSND các địa phương đã phát biểu ý kiến đề cập về những kết quả đạt được, những khó khăn vướng mắc cũng như những kiến nghị, đề xuất qua 5 năm thi hành Luật Phá sản và Pháp lệnh 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/1/2014 trong ngành KSND. Hội nghị cũng nghe đồng chí Lê Thành Dương, Kiểm sát viên VKSND tối cao phát biểu tham luận đồng thời nghe lãnh đạo Vụ 14 - VKSND tối cao giải đáp vướng mắc về nhận thức và áp dụng pháp luật đối với việc thi hành Luật Phá sản và Pháp lệnh 09/2014.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao cho biết, sau 5 năm triển khai thi hành Luật Phá sản và Pháp lệnh 09, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại và vướng mắc, bất cập về quy định pháp luật cần thiết phải tổng kết đánh giá trong phạm vi toàn Ngành.

leftcenterrightdel
  Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Khẳng định Lãnh đạo VKSND tối cao và VKSND các cấp luôn xác định công tác kiểm sát giải quyết vụ việc phá sản là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ngành; đánh giá cao Vụ 10 đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị, đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Trần Công Phàn cũng nêu rõ, với việc tổ chức hội nghị sẽ đánh giá lại những kết quả đạt được, kịp thời đưa ra đề xuất, kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo sự đồng thuận chung về nhận thức, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các khâu công tác này.

Đồng tình với các giải pháp được nêu trong báo cáo và tại hội nghị, đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao cũng yêu cầu các đơn vị liên quan, VKSND các cấp tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm.

Cụ thể, VKSND các cấp cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành. Lãnh đạo VKSND các cấp cần tiếp tục quán triệt và nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của các khâu công tác này; Viện kiểm sát cấp trên kịp thời giải đáp những khó khăn, vướng mắc của VKSND cấp dưới; tập hợp những vi phạm để ban hành kiến nghị mang tính tổng hợp, phòng ngừa chung.

Bên cạnh đó, tiếp tục quán triệt và yêu cầu Kiểm sát viên, công chức nắm chắc quy định của Luật Phá sản năm 2014, Luật Tổ chức VKSND năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến Pháp lệnh 09; tăng cường mối quan hệ phối hợp công tác trong và ngoài ngành KSND.

Đồng thời, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí, sắp xếp đội ngũ công chức, Kiểm sát viên có năng lực, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm cao để thực hiện nhiệm vụ này.

Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao cũng đề nghị, sau hội nghị, Vụ 10 chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan tập hợp các ý kiến góp ý để tiếp tục hoàn thiện báo cáo, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết các vụ việc phá sản trong thời gian tới của VKSND.

P.V